10/12/2017 - 16:35

Khắc phục hậu quả! 

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson vừa có chuyến công du 2 ngày đến Iran. Đây là chuyến thăm Cộng hòa Hồi giáo lần thứ ba của một Ngoại trưởng Anh trong vòng 14 năm qua và là lần đầu tiên ông Johnson đến đây.

Trọng tâm trong chuyến đi của Ngoại trưởng Johnson là nhằm vận động Tehran phóng thích công dân Anh gốc Iran Nazanin Zaghari-Ratcliffe đang chịu án tù 5 năm. Zaghari-Ratcliffe bị bắt tại Iran hồi tháng 4-2016 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền Tehran, cụ thể là có vai trò trong cuộc biểu tình qui mô lớn hồi năm 2009. Khi bị bắt, bà đang là quản lý dự án của một quỹ thiện nguyện thuộc tập đoàn truyền thông Thomson Reuters.

Ngoại trưởng Anh Johnson (trái) và người đồng cấp Iran Zarif hôm 9-12. Ảnh: AFP

Bảo hộ công dân Anh ở nước ngoài là nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao mà đứng đầu là Ngoại trưởng Johnson. Nhưng chuyến đi lần này không đơn thuần vì công vụ mà còn là cơ hội để cá nhân ông “khắc phục hậu quả”. Số là trong một phát biểu hồi tháng rồi, Ngoại trưởng Johnson đã “lỡ lời” khi nói rằng Zaghari-Ratcliffe có đào tạo báo chí tại Iran, trong khi bà này trước sau như một khẳng định chỉ về cố hương thăm họ hàng. Phát biểu của ông Johnson cũng trái với quan điểm chính thức của Luân Đôn và lập tức bị Tehran “nắm” để củng cố cáo buộc Zaghari-Ratcliffe làm gián điệp, tuyên truyền chống Iran và có thể kéo dài đáng kể án tù. Một bộ phận dư luận Anh đòi Ngoại trưởng phải từ chức nếu Iran tăng hình phạt đối với Zaghari-Ratcliffe.

Thế nên trong cuộc thảo luận dài 2 tiếng đồng hồ được mô tả là “thẳng thắn” với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif hôm 9-12, Ngoại trưởng Johnson đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về trường hợp của Zaghari-Ratcliffe và yêu cầu phóng thích bà này, bên cạnh việc xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với nhóm cường quốc P5+1. Ông Johnson còn có các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Ali Shamkhani trước khi hội kiến Tổng thống Hassan Rouhani vào hôm qua, mà trong đó vụ việc của Zaghari-Ratcliffe cũng được nhắc đến.

Được biết, Thủ tướng Anh Theresa May từng đề cập trường hợp của Zaghari-Ratcliffe với ông Rouhani bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 nhưng chưa có kết quả. Cần biết là tại Iran, quyền lực của Tổng thống bị hạn chế bởi trên đó còn có chức danh Lãnh tụ Tối cao, hiện do cựu Tổng thống Ali Khamenei (giai đoạn 1981-1989) nắm giữ. Không như Tổng thống Rouhani được đào tạo tại Anh và chủ trương cải cách, ông Khamenei là một giáo sĩ bảo thủ theo đường lối chống phương Tây.

QUỐC KHÁNH 

Chia sẻ bài viết