05/11/2018 - 07:25

Kết mâm quả, rồng phụng - nghề lắm công phu... 

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, mâm trầu cau luôn là mâm lễ vật quan trọng trong nghi thức cưới hỏi. Trong nhịp sống hiện đại, một bộ phận người dân càng chú trọng cái đẹp, làm nảy sinh nhu cầu về những mâm quả cầu kỳ, đa dạng kiểu dáng. Nghề kết mâm quả, rồng phụng có ít người theo đuổi bởi đây là nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ... Cất tấm bằng đại học và nghề nghiệp ổn định, cô gái trẻ Nguyễn Thị Lan Anh, ngụ  phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, mạnh dạn theo đuổi “đam mê”.


Lan Anh tươi tắn bên mâm quả vừa thực hiện với niềm đam mê, tâm huyết. Ảnh: HỒNG VÂN

Năm 2012, Lan Anh tốt nghiệp đại học ngành Kế toán doanh nghiệp, có ngay công việc ổn định tại một công ty chuyên về đầu tư xây dựng chợ. Việc “bén duyên” với nghề kết mâm quả, rồng phụng là điều Lan Anh chưa từng nghĩ đến. Lan Anh chia sẻ: “Năm 2015, đang làm việc tại công ty, tôi nghe các đồng nghiệp truyền tai nhau chuyện một cô giáo dạy nghề kết rồng phụng. Vốn yêu thích cái đẹp, thích tạo ra những sản phẩm cầu kỳ, tỉ mỉ, tôi dành dụm tiền lương để đăng ký học nghề để thỏa mãn sự đam mê, cầu tiến, chứ hoàn toàn chưa nghĩ đến việc sẽ làm và sống với nghề này. Sau 4 – 5 buổi học, tôi nắm được những nguyên tắc, kỹ thuật căn bản kết rồng phụng”. Biết Lan Anh khéo tay, tháng 6-2015, người bạn thân nhờ Lan Anh kết mâm rồng phụng ngày cưới. Đó cũng là khách hàng đầu tiên giúp Lan Anh thêm tự tin khởi nghiệp kết mâm quả, rồng phụng. Lan Anh kể: “Đó là lần đầu tiên tôi nhận kết rồng phụng cho bạn với giá 850.000 đồng/cặp. Không ngờ sau lần đó, nhiều bạn bè, hàng xóm và những người quen biết trên mạng xã hội facebook cũng tìm đến tôi đặt hàng kết mâm quả. Từ đó, tôi xin nghỉ việc ở công ty để “cháy” hết mình với đam mê”.

Theo Lan Anh, kết mâm quả, rồng phụng thật sự là “nghề lắm công phu”, đòi hỏi người làm nghề phải khéo tay, có óc thẩm mỹ. Để làm nên mâm quả rồng phụng, chỉ cần những nguyên vật liệu cơ bản, quen thuộc: trái cây, lá thiên tuế, lá dừa, ớt, củ tỏi,… Tuy nhiên, hơn nhau ở tay nghề và điểm đặc biệt khiến người thợ có được “nhìn nhận” khéo tay hay không tùy thuộc cách “thổi hồn” cho tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng điềm an lành, mâm rồng phụng hay các mâm quả cưới phải được kết chặt, vững chãi, không đổ ngã khi chưng. Đó cũng là bí quyết làm nghề của người thợ khéo tay.

Trải lòng về những ngày đầu lập nghiệp, Lan Anh nhớ như in những lần phải lặn lội đến tận nhà cô dâu chú rể ở các tỉnh, thành xa để kết mâm quả. Lan Anh kể: “Thời gian đầu, do lo sợ mâm cưới bị đổ ngã nên dù ở các tỉnh thành xa như Hậu Giang, Bạc Liêu,… tôi cũng không ngại cất công tìm đến nơi, với mong muốn ngày vui của khách hàng trọn vẹn, viên mãn. Về sau, nghề dạy nghề, những mâm quả của tôi được kết cấu rất chắc chắn nên chỉ cần chuyển giao qua xe khách”. Dù chỉ học nghề kết rồng phụng, nhưng khi được nhiều khách yêu cầu, Lan Anh cũng nhận kết thêm mâm quả cưới và mâm quả song long, song phụng dịp Tết đến, Xuân về. Những mâm quả do Lan Anh thực hiện còn được kết hoa tươi với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, phong phú, “hợp thời”. 

Với Lan Anh, không chỉ tạo ra sản phẩm đẹp, mà những mâm quả còn phải phù hợp đặc trưng từng vùng miền. Chẳng hạn như, mâm quả miền Bắc thường có thêm mâm thuốc lá, mâm bánh xốp xếp thành hình tháp, số lượng mâm quả khác với miền Nam… Để hiểu cặn kẽ, thấu đáo những đặc trưng văn hóa vùng miền, Lan Anh phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, Lan Anh cũng tìm, giới thiệu những đầu mối uy tín về các mặt hàng, như: bánh phu thê, bánh xốp, trà rượu,… để giúp khách lựa chọn ưng ý, thoải mái. Giá công kết mâm quả cũng rất phải chăng, cụ thể: kết cặp rồng phụng khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/cặp, còn kết mâm quả khoảng 200.000 đồng (bao gồm cả phụ kiện và hoa tươi).

Với sự cầu toàn, tỉ mỉ, ngày càng nhiều khách hàng tìm đến Lan Anh để kết mâm quả. Hiện Lan Anh có thu nhập bình quân 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, những tháng cuối năm vào “mùa cưới”, dịp Tết, Lan Anh thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/tháng. Lan Anh chia sẻ: “Nhiều khi sưng rộp cả tay nhưng tôi vẫn yêu nghề, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi làm ra những sản phẩm đẹp mắt hơn. Tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì được sống hết mình với đam mê”.  

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết