16/08/2021 - 07:10

Kabul sắp thất thủ? 

Rạng sáng 15-8, các tay súng Taliban đã chiếm được Mazar-i-Sharif, thành phố quan trọng cuối cùng của chính phủ ở miền Bắc Afghanistan, khiến một số binh sĩ cùng các lãnh chúa đầy quyền uy phải tìm cách chạy qua biên giới với Uzbekistan.

Mỹ chuẩn bị di tản nhân viên đại sứ quán tại Kabul.

Mỹ chuẩn bị di tản nhân viên đại sứ quán tại Kabul.

Mazar-i-Sharif  có vị trí chiến lược và là một pháo đài chống Taliban, thế nên Tổng thống Ashraf Ghani đầu tuần rồi từng tới đây để chỉ đạo việc củng cố hệ thống phòng ngự nhằm ngăn đà tiến công của phiến quân.

Vài giờ trước khi Mazar-i-Sharif bị chiếm, Tổng thống Ghani đã tìm cách trấn an binh sĩ và dân chúng bằng bài diễn văn quốc gia, trong đó đề cập việc “tái huy động quân đội” và tìm kiếm “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, việc mất Mazar-i-Sharif là đòn giáng nặng nề đối với chính quyền ông Ghani, đồng thời giúp Taliban nắm thế chủ động trong bàn đàm phán yêu cầu Kabul đầu hàng. Trước đó, Hãng tin Pháp AFP ngày 12-8 dẫn nguồn tin chính phủ cho biết Kabul đã đề xuất một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban.

Thực tế là sau khi chiếm được Mazar-i-Sharif, Taliban đã giành quyền kiểm soát thành phố Jalalabad quan trọng ở phía Đông mà không cần giao tranh. Như vậy, trong chiến dịch kéo dài chưa đầy 10 ngày, Taliban đã chiếm gần như toàn bộ các thành phố lớn ở Afghanistan và chỉ còn cách thủ đô vài chục cây số. Một quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại Taliban sẽ tấn công Kabul trong vài ngày tới.

Hồi đầu tháng 6, báo cáo của tình báo Mỹ nhận định chính quyền Afghanistan có thể sụp đổ 6 tháng sau khi Mỹ hoàn tất quá trình rút quân vào ngày 31-8. Tuy nhiên, với thế tiến công như vũ bão của Taliban, tình báo Mỹ tuần rồi đã điều chỉnh thời gian, cho rằng Kabul có thể thất thủ trong vòng 1-3 tháng tới.

Trong khi đó, dù Lầu Năm Góc khẳng định Kabul “chưa bị đe dọa ngay”, nhưng Đại sứ quán Mỹ đã ra lệnh cho nhân viên tiêu hủy toàn bộ các tài liệu nhạy cảm và các biểu tượng của nước Mỹ mà Taliban có thể sẽ sử dụng vào mục đích tuyên truyền. Lính Mỹ cũng đã tới Afghanistan để hỗ trợ quá trình sơ tán hàng ngàn người, bao gồm các nhân viên sứ quán, nhân viên người Afghanistan cùng gia đình họ. Tổng thống Joe Biden ngày 14-8 thông báo Mỹ sẽ triển khai 5.000 binh sĩ, tăng thêm 2.000 người so với kế hoạch ban đầu, tới Afghanistan để đẩy nhanh công tác sơ tán.

Như vậy, trong khi chưa rút hết 2.500 binh sĩ cuối cùng theo quyết định hồi tháng 4 của Tổng thống Biden thì lại có thêm 5.000 lính Mỹ hiện diện tại Afghanistan, dù chỉ là tạm thời như tuyên bố của Lầu Năm Góc. Thậm chí tại Washington hiện đã xuất hiện một số tiếng nói yêu cầu ông chủ Nhà Trắng đưa quân trở lại Afghanistan. “Tổng thống nên lập tức cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các lực lượng Afghanistan, bắt đầu bằng hoạt động yểm trợ hỏa lực trên không tầm gần sau ngày 31-8. Nếu không, al-Qaeda và Taliban có thể kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11-9 bằng cách thiêu rụi đại sứ quán của chúng ta ở Kabul”, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cảnh báo.

Mỹ gần đây liên tục nhắc nhở Taliban rằng một chính phủ lên nắm quyền thông qua bạo lực sẽ không được quốc tế công nhận.

Liên minh châu Âu cũng cảnh báo Taliban sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu lực lượng này trở lại nắm quyền bằng vũ lực. Riêng Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố Berlin sẽ không hỗ trợ tài chính cho Taliban nếu họ quản lý Afghanistan bằng luật Hồi giáo hà khắc.

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết