07/04/2018 - 09:35

Iraq sau 15 năm Saddam Hussein bị lật đổ 

Đã 15 năm trôi qua kể từ khi Mỹ tiến hành can thiệp quân sự vào Iraq để lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Saddam Hussein, thế nhưng niềm tin về một tương lai tốt đẹp cho đất nước đang dần phai nhạt trong lòng người dân quốc gia này.

Sau khi IS bị đánh bại, nhiều người dân tại thành phố Mosul đang quay lại sinh sống. Ảnh: Reuters 

Chẳng hạn như trường hợp của ông Abu Ali, một tài xế taxi 61 tuổi  từng vui mừng khi thấy binh sĩ Mỹ tiến vào Thủ đô Baghdad hồi năm 2003. Thế nhưng 4 năm sau đó, người con trai cả của ông đã thiệt mạng ở tuổi 18 trong một vụ đánh bom bằng xe hơi. Và gần 6 năm sau, 2 con thứ của Ali - một người 23 tuổi và một người 17 tuổi - cũng bị chết trong một vụ tấn công khác. “Tôi đi thăm mộ chúng hằng tuần”- người đàn ông trông già hơn tuổi thật buồn bã nói.

Cũng như Ali, ông Qais al-Sharea - một thợ làm tóc ở Baghdad - từng có suy nghĩ giống như tất cả giới trẻ Iraq thời điểm năm 2003, rằng Baghdad sẽ được lấp đầy bằng các hộp đêm và nhà hàng sau sự kiện lật đổ Saddam Hussein. Nhưng thay vì tiến bộ và vươn ra thế giới, al-Sharea nhận thấy rằng đời sống tại Iraq bây giờ trong tình cảnh “tiến một bước, lùi 5 bước”.

Theo AFP, mặc dù các thể chế và đảng Baath đầy quyền lực dưới thời ông Hussein đã bị triệt phá, nhưng tình trạng tham nhũng và những căng thẳng tôn giáo tại Iraq vẫn tràn lan.

Bước ngoặt sẽ đến trong tháng 5?

Trong khi đó, tờ Foreign Affairs nhận định cuộc bầu cử Quốc hội Iraq vào ngày 12-5 tới có thể là một bước ngoặt cho tình hình an ninh tại quốc gia này, bởi nó diễn ra tại thời điểm tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa bị đánh bại.

Nhưng các phần tử Hồi giáo khủng bố không phải là thách thức duy nhất mà Iraq phải đối mặt. Tham nhũng cũng đe dọa sự ổn định lâu dài của đất nước này.

Mặt khác, tuy chính trường Iraq hiện phân mảnh hơn so với trong quá khứ, nhưng các gương mặt “cũ” vẫn tiếp tục vai trò chi phối. Cụ thể là có 5 người Hồi giáo dòng Shiite sẽ cạnh tranh trong cuộc bầu cử sắp tới, bao gồm đương kim Thủ tướng Haider al-Abadi, cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, lãnh đạo Hadi al-Ameri của Tổ chức Badr, cùng 2 giáo sĩ Muqtada al-Sadr và Ammar al-Hakim.

Ba nhân vật nổi trội khác đến từ dòng Sunni và các nhóm không tín ngưỡng là cựu chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Jamal Karbuli, cựu Chủ tịch Quốc hội Usama Nujaifi và cựu Thủ tướng Ayad Allawi.

Ông Haider al-Abadi được xem là nhiều khả năng giành thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa, một phần nhờ đánh bại IS. Trên cương vị thủ tướng, ông đã cân bằng một cách khéo léo quan hệ giữa Iran và Mỹ, đồng thời cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong Vùng Vịnh. Đặc biệt, ông al-Abadi đã tạo bước đột phá trong quan hệ với Saudi Arabia, nước đang đóng vai trò mang tính xây dựng hơn ở Iraq.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết