06/05/2016 - 09:29

Indonesia, Malaysia và Philippines nhất trí tuần tra chung ở Biển Đông

An ninh hàng hải ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp không chỉ do căng thẳng tranh chấp chủ quyền mà còn vì nạn hải tặc, bắt cóc đang hoành hành và gia tăng đáng lo ngại, buộc Indonesia, Malaysia và Philippines phải hợp tác tuần tra chung.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 5-5 đã chủ trì cuộc họp giữa Ngoại trưởng và chỉ huy quân đội 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines để thảo luận kế hoạch đối phó thách thức hàng hải gồm nạn hải tặc có vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố đang đe dọa tính mạng người dân, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và gây thiệt hại lợi ích khu vực. Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết 3 bên đã nhất trí tiến hành tuần tra phối hợp tại những khu vực dễ bị xâm phạm trên Biển Đông. Mặt khác, ba nước cũng đồng ý thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin tình báo, tạo điều kiện phản ứng nhanh và phối hợp nhanh chóng trong bất kỳ tình huống khẩn cấp.

Ngoại trưởng Philippines Jose Rene Almendras (trái) và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi trong cuộc gặp tại Thủ đô Jakarta hôm 5-5. Ảnh: AP

Theo bà Marsudi, hoạt động tuần tra chung có thể thực hiện dựa theo hình thức hoạt động Tuần tra Eo biển Malacca (MSP) thành lập từ năm 2006 giữa lực lượng Hải quân Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Lực lượng tuần tra Eo Biển Malacca đã thành công giải quyết nạn cướp biển ở Đông Nam Á, làm giảm đáng kể số vụ tấn công trên tuyến hàng hải chiến lược nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

Được biết, vùng ngã 3 biên giới (TBA) ở Đông Nam Á bao gồm vùng biển của Philippines, Indonesia và Malaysia trên Biển Sulu và Biển Celebes. Cùng với Eo biển Malacca, vùng biển này đóng vai trò huyết mạch với giá trị thương mại khoảng 40 tỉ USD mỗi năm. Mặc dù có ý nghĩa kinh tế quan trọng, nhưng giải pháp tuần tra chung từng bị đình trệ do vướng mắc trong hoạch định chính sách và chiến lược an ninh liên quan chủ quyền mỗi nước.

Nhưng thời gian gần đây, tình trạng hải tặc và bắt cóc ngày càng hoành hành với số lượng các vụ tấn công vũ trang vùng TBA gia tăng đáng kể trong quý I năm 2016. Nguy hiểm hơn, Trung tâm chia sẻ thông tin thuộc Hội đồng điều hành chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP) cho biết các vụ tấn công đang chuyển từ xu hướng cướp tàu và hàng hóa sang bắt cóc thủy thủ để đòi tiền chuộc. Gần đây nhất là trường hợp thủy thủ Indonesia và Malaysia bị nhóm chiến binh Abu Sayyaf từ Philippines bắt cóc. Thực trạng này buộc các nước đặt vấn đề an ninh hàng hải lên hàng đầu. Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan trước đó cảnh báo, nếu các quốc gia không có giải pháp ngăn chặn thì nạn hải tặc và bắt cóc ở Biển Đông có nguy cơ phát triển thành mối đe dọa tương tự nạn cướp biển ở ngoài khơi duyên hải Somalia.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định thỏa thuận về hoạt động tuần tra chung có thể "chọc giận" Bắc Kinh khi cả 3 nước Đông Nam Á đều có liên quan tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong diễn biến mới nhất, Tân Hoa xã cho biết Hải quân Trung Quốc đã đưa tàu chiến ra Biển Đông để tham gia tập trận tăng cường khả năng chiến đấu và tương tác giữa Hải quân với Không quân cùng nhiều lực lượng khác.

Trước đó, 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải gồm tàu khu trục tên lửa Hợp Phì, tàu khu trục tên lửa Tam Á và tàu hậu cần Hồng Hồ đã rời cảng ở Tam Á, tỉnh Hải Nam để họp mặt cùng tàu khu trục tên lửa Lan Châu, Quảng Châu và tàu khu trục tên lửa Ngọc Lâm. Cùng Hạm đội Bắc Hải, đội tàu chiến còn được huy động chung với lực lượng Hải quân, Không quân và các đơn vị đang đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, với 3 trực thăng và hàng chục binh sĩ thuộc lực lượng "tác chiến đặc biệt", Trung Quốc sẽ chia thành 3 nhóm diễn tập ở Biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết