28/10/2010 - 21:22

I-ỐT: Vi chất không thể thiếu

BS DƯƠNG PHƯỚC LONG
Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ

I-ốt là vi chất rất cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con người. Thiếu hay thừa i-ốt đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt, phụ nữ mang thai thiếu i-ốt có thể dẫn đến sẩy thai, trẻ sinh ra có thể bị đần độn, dị tật…

Bệnh nhân bị rối loạn tuyến giáp do thiếu hụt i-ốt đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ. Ảnh: D.P.L

I-ốt có nhiều ở vỏ trái đất nguyên thủy, trải qua nhiều triệu năm mưa lũ xói mòn, i-ốt bị cuốn trôi dần ra biển. Đến nay, biển là kho chứa i-ốt lớn nhất của quả đất. Sau đó, dưới tác động của ánh sáng mặt trời làm nước biển bốc hơi; i-ốt theo mưa quay trở lại đất liền. I-ốt hiện diện trong đất đai, nguồn nước, không khí, cây cối, động vật. Hàm lượng i-ốt trong nước biển khoảng 50-60mcg/L (microgam = 1 phần triệu của gam), trong không khí khoảng 0,7 mcg/m3, trong nước mưa i-ốt có khoảng 5mcg/ lít. Mưa bổ sung lại i-ốt cho đất nhưng chính mưa cũng làm xói mòn, nghèo i-ốt trong đất. Lượng i-ốt bổ sung đôi khi nhỏ hơn nhiều so với quá trình xói mòn, cuốn trôi. Vì vậy, một số vùng địa lý có tỷ lệ i-ốt trong không khí, trong đất, nguồn nước ít hơn vùng khác. Điều này dẫn đến tỷ lệ người bị bướu cổ và các rối loạn liên quan đến i-ốt cao hơn vùng khác do không được bổ sung i -ốt vào bữa ăn hàng ngày. Các nghiên cứu cho thấy nguồn bổ sung i-ốt cho con người hàng ngày có tỷ lệ: 60% từ động vật, 30% từ thực vật, 10% từ nước và không khí.

Y khoa đã chứng minh hậu quả của sự thiếu i-ốt không chỉ gây bướu cổ, mà còn gây nhiều rối loạn khác, được tóm tắt theo từng thời kỳ như sau:

- Thời kỳ phụ nữ mang thai, thai nhi: sẩy thai, thai chết lưu, bất thường bẩm sinh, tăng tử vong chu sinh, tăng tử vong ở trẻ nhỏ, giảm trí tuệ, điếc bẩm sinh, liệt cứng, lác mắt, đần độn.

- Thời kỳ trẻ sơ sinh: thiểu năng tuyến giáp sơ sinh.

- Thời kỳ trẻ em, vị thành niên: chậm phát triển tinh thần, thể chất.- Thời kỳ người lớn: bướu cổ và biến chứng, cường giáp, giảm khả năng lao động, mệt mỏi.- Tất cả các lứa tuổi: bướu cổ, suy giáp, chậm phát triển tinh thần, tăng nhạy cảm với bức xạ nguyên tử.

Cơ thể mỗi người chỉ cần một lượng i-ốt rất nhỏ nhưng không thể thiếu và cần được cung cấp đều đặn. Nhu cầu i-ốt hàng ngày thay đổi tùy độ tuổi: ở một người trưởng thành cần khoảng 100-150mcg, không nên quá 500mcg/ngày; phụ nữ có thai cần nhiều hơn người bình thường khoảng 200mcg/ngày. Việc sử dụng quá nhiều i-ốt so với nhu cầu cơ thể cũng có thể gây nên hội chứng cường giáp, thiểu năng giáp... Bệnh nhân cường giáp không nên dùng muối i-ốt để tránh làm tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Lượng i-ốt có trong muối i-ốt có bán trên thị trường khoảng 20 phần triệu. Như vậy, ngoài nguồn cung cấp i-ốt từ thức ăn, nước uống, không khí, người trưởng thành cần cung cấp thêm khoảng 5g muối i-ốt/ ngày là đủ. Việc bổ sung thêm i-ốt cần được thực hiện thường xuyên mỗi ngày và bảo quản muối i-ốt đúng cách. Thực tế, nhiều gia đình có mua muối i-ốt để sử dụng nhưng không dùng thường xuyên nên không đủ nhu cầu. Ngoài ra, việc bảo quản muối i-ốt không đúng cách cũng làm lượng i-ốt trong muối thất thoát trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Tại nhà máy sản xuất, i-ốt được trộn với tỷ lệ 40 phần triệu nhưng qua các khâu vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ, tỷ lệ này chỉ còn 20 phần triệu. Khi muối i-ốt được đưa về hộ gia đình và đến khi sử dụng vào thức ăn thì tỷ lệ này có khả năng tiếp tục giảm xuống. Muối i-ốt cần được bảo quản bằng cách cho vào bọc ni lông hoặc hộp đậy kín, tránh ẩm ướt, tránh để quá gần bếp lửa, không rang muối i-ốt.

Lượng i-ốt trong muối i-ốt đã được tính toán để cả những người thực sự không bị thiếu i-ốt sử dụng vẫn an toàn. Đối với những người ưa ăn mặn, việc dùng quá lượng muối trộn i-ốt hàng ngày cũng không gây hậu quả gì ngoài hậu quả do hàm lượng muối cao gây nên, như: bệnh tăng huyết áp, thiếu can xi...

Kết quả khảo sát của Bệnh viện Nội tiết trung ương cho thấy người dân ở khu vực ĐBSCL có tỷ lệ i-ốt trong nước tiểu thấp mặc dù đây là vùng gần biển. Người dân vùng ĐBSCL chưa có thói quen sử dụng muối i-ốt hàng ngày mà thường dùng muối thường, nước mắm, nước tương, hạt nêm và ít ăn thực phẩm có nguồn gốc từ biển (cá biển và rong biển...). Để tăng cường lượng i-ốt cung cấp cho cơ thể, người dân cần sử dụng muối i-ốt như muối thường để nêm gia vị trong bữa ăn hàng ngày như dùng ướp, kho thịt cá, muối dưa, nêm canh...

Chia sẻ bài viết