(CT) - Ngày 17-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), lãnh đạo các sở NN&PTNT, các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Bộ NN&PTNT khẩn trương lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan nhằm hoàn thiện các nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của đề án hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn để nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng BĐKH.
Theo Bộ NN&PTNT, Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã nhận được quan tâm, hưởng ứng và đăng ký tham gia, hỗ trợ tích cực của các địa phương vùng ĐBSCL cùng các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, nhất là WB. Đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đăng ký tham gia thực hiện đề án, với định hướng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 719.000ha và đến năm 20230 đạt hơn 1,015 triệu héc-ta.

Sản xuất lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
TP Cần Thơ đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 50.000ha và duy trì ổn định con số này đến năm 2030. Tỉnh An Giang đăng ký đạt 150.000ha vào năm 2025 và đạt 200.000ha vào năm 2030. Kiên Giang là 100.000ha vào năm 2025 và 200.000ha vào năm 2030, Đồng Tháp là 70.000ha, sau đó tăng lên 163.000ha, Long An là 60.000ha vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 120.000ha...
Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục bày tỏ ủng hộ đối với đề án, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm giúp hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án trong thời gian tới. Đại diện ngành Nông nghiệp nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL khẳng định có thể tham gia thực hiện Đề án và xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích khá lớn ngay trong năm 2024. Các diện tích lúa này không những đáp ứng các yêu cầu về canh tác theo các quy trình kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo chất lượng, an toàn và giảm khí phát thải mà còn có sự gắn kết giữa nông dân với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG