06/03/2011 - 22:16

Hướng mở cho giống lúa Cẩm Cai Lậy

Sau thành công từ mô hình trồng lúa Global GAP đạt năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao, bảo vệ môi trường của nông dân huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Huyện Cai Lậy đã nghiên cứu, ứng dụng thành công và đang triển khai cho nông dân canh tác giống lúa mới: Lúa than với tên gọi là lúa Cẩm Cai Lậy với mức giá bao tiêu cao hơn lúa hạt dài 1,6 lần.

Năm 2002, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cai Lậy nhận của Trường Đại học Cần Thơ nhiều bộ giống lúa mới có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) để khảo nghiệm. Qua các thí nghiệm so sánh giống, phòng đã tuyển chọn được một số giống lúa có chất lượng cao, trong đó có giống lúa HB1 mang những đặc điểm khác hẳn: thời gian sinh trưởng ngắn: 75-80 ngày; gạo lứt có màu đen (nên được gọi là lúa than), vị và mùi thơm rất đặc trưng. Đặc biệt, qua kết quả phân tích tại Trường Đại học Cần Thơ cho thấy giống lúa HB1 có hàm lượng protein khá cao so với các giống lúa đang được trồng phổ biến. Ngoài ra, giống lúa này không cảm ứng quang kỳ như các giống lúa mùa nên có thể thâm canh 3 vụ/năm.

 Tham quan mô hình trồng lúa
Cẩm Cai Lậy.

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết, đây là một giống lúa có các đặc tính tốt, cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển, vì vậy đề tài “Chọn lọc làm thuần giống lúa than đặc sản” được triển khai thực hiện từ năm 2005 đến năm 2007 tại huyện Cai Lậy. Đề tài được thực hiện dựa trên “Qui trình phục tráng và sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng từ nguồn giống chưa thuần” của Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 395-99. Tuy nhiên, đây là một giống lúa mới, thể hiện tỷ lệ phân ly khá cao về màu sắc vỏ trấu, dạng hạt, màu gạo lứt, thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, hàm lượng protein. Qua 6 vụ chọn lọc liên tiếp vẫn chưa chọn lọc làm thuần giống và đặc biệt để giữ được đặc tính của giống lúa này là hàm lượng protein cao thì gạo phải ở dạng gạo lứt nên cứng cơm. Điều này làm cho việc đưa giống lúa than đặc sản vào sản xuất đại trà gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không chấp nhận.

Sau đó, được sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, từ năm 2008-2010 đề tài tiếp tục áp dụng phương pháp điện di protein SDS - PAGE (thực hiện tại Trường Đại học Cần Thơ) và trồng khảo nghiệm nhiều vụ ngoài đồng ruộng, Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy đã tuyển chọn được hai dòng lúa than thích nghi tốt với điều kiện sản xuất thâm canh 3 vụ/năm của huyện với những đặc điểm ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 85 ngày); năng suất đạt khá (4-6 tấn/ha); chống chịu với bệnh cháy lá; hàm lượng protein cao (9-10%), hàm lượng amylose thấp (<15%); hạt gạo thon dài, phẩm chất cơm mềm dẻo, chứa nhiều chất dinh dưỡng: chất khoáng, vitamin, axit amin thiết yếu và đặc biệt có chứa sắc tố anthocyanin với hàm lượng rất cao. Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy lập hồ sơ đăng ký với tên là lúa Cẩm Cai Lậy.

Không dừng lại, để so sánh sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của gạo than và gạo trắng (giống lúa Jasmine 85), Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy tiến hành gởi mẫu phân tích tại Trung tâm dịch vụ và phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh và Phòng thí nghiệm chuyên sâu Trường Đại học Cần Thơ (phân tích chỉ tiêu về anthocyanin). Kết quả phân tích cho thấy tất cả các chỉ tiêu dinh dưỡng của gạo than đều cao hơn so với gạo trắng Jasmine 85. Đặc biệt, gạo than chứa nhiều chất xơ hòa tan, tỷ lệ tinh bột được hấp thụ chậm hơn so với gạo trắng nên không gây sự biến động đáng kể lượng đường trong máu. Vì vậy, gạo than rất có ích cho người bị bệnh tiểu đường. “Qua kết quả phân tích cho thấy, so với gạo trắng, thì gạo than thể hiện tính vượt trội về hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu cung cấp cho con người” - Tiến sĩ Lê Hữu Hải khẳng định.

Từ thành công này, trong vụ hè thu sớm 2011, huyện Cai Lậy đã chính thức triển khai cho nông dân là xã viên HTX Mỹ Thành sản xuất 39ha theo tiêu chuẩn Global GAP và được Công ty TNHH ADC ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ, với tỷ lệ thu mua là 1 kg lúa Cẩm Cai Lậy= 1,6kg lúa hạt dài. Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Trương Văn Bảy cho biết, nông dân và xã viên HTX, chủ yếu là hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc rất vui mừng, phấn khởi vì so với lúa hạt dài sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP nông dân đã lãi sau khi trừ chi phí sản xuất lên đến 60 triệu đồng/ha/năm, thì sản xuất lúa than sẽ được hưởng lợi nhuận thêm gấp 1,6 lần nữa. Nông dân, xã viên HTX Mỹ Thành có đủ trình độ canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP đối với lúa than và sẵn sàng mở rộng diện tích gieo trồng lúa than trong thời gian tới. Phó Giám đốc Công ty TNHH ADC - Phan Quốc Hùng cho biết: ADC sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và quy mô sản xuất đưa gạo than thành một sản phẩm tốt trên thị trường. Phát triển và xây dựng các sản phẩm theo đặc thù nổi trội (đặc tính giống, đặc sản địa phương...). Không để các thế mạnh này mai một, vừa tăng lợi nhuận cho nông dân vừa giữ hồn Việt trong sản phẩm. Đồng thời, kết hợp với ngành dược phẩm của ADC, phát triển gạo than thành dòng sản phẩm có khả năng cung cấp dinh dưỡng và trị bệnh.

SĨ NGUYÊN

Chia sẻ bài viết