14/05/2008 - 21:51

Thương mại dịch vụ Cần Thơ

Hướng đến vai trò trung tâm phân phối hàng hóa vùng ĐBSCL

Khách hàng đang chọn mua hàng tại siêu thị mini của Vinatex đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Vài năm gần đây, hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng phát triển mạnh. Ngoài các chợ truyền thống; 5 siêu thị, trung tâm bán sỉ; các cửa hàng tiện lợi, cửa hiệu tạp hóa, còn có sự góp mặt ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ của các nhà sản xuất và phân phối lớn. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối hàng hóa ở TP Cần Thơ đang dần khẳng định vị thế trung tâm phân phối hàng hóa của ĐBSCL.

NỞ RỘ CỬA HÀNG TIỆN LỢI, SIÊU THỊ MINI

Ở TP Cần Thơ, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã xuất hiện từ năm 2006 với trên 10 cửa hàng G7mart của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ G7 và Cửa hàng Co.op của Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C). Gần đây là sự xuất hiện của “gương mặt mới” Dailymart với 3 cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ , 30-4 và ở quận Ô Môn.

Mục tiêu xây dựng mô hình cửa hàng tiện lợi là “nâng cấp” hình thức kinh doanh của tiệm tạp hóa với diện mạo mới, cung cách phục vụ và quản lý hiện đại, cung cấp nhiều tiện ích mua sắm hơn cho cư dân đô thị. Tuy nhiên, qua gần 2 năm xuất hiện, mô hình Cửa hàng Co.op của C.T.C và cửa hàng G7mart đã gặp khó khăn và chựng lại. Anh Lê Văn Hồng, chủ tiệm tạp hóa ở đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thủy, đã ký hợp đồng hợp tác với G7mart, cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng hợp tác với G7 từ tháng 8-2006. G7 đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng để nâng cấp sửa chữa cửa hàng, đầu tư đóng mới kệ hàng, quầy tính tiền, trang bị hệ thống đèn chiếu sáng và bảng hiệu lớn. Khách hàng ai cũng khen cửa hàng đẹp hơn, hàng hóa sắp xếp dễ lựa chọn. Nhưng do G7 đã tạm ngưng hợp đồng hợp tác khoảng 1 năm nay (vì công ty chưa ký hợp đồng tiêu thụ với các nhà sản xuất) nên chưa tổ chức cung cấp hàng. Dự kiến đến năm 2009, G7 mới cung cấp hàng xuống cửa hàng. Đến đó, hợp đồng hợp tác với G7 đã hết hạn và chúng tôi sẽ ký lại hợp đồng mới”.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Công ty Dailymart, giải thích: “Mô hình cửa hàng tiện lợi được xây dựng theo hình thức: Dailymart tự đầu tư cửa hàng, khuếch trương thương hiệu và thực hiện nhượng quyền kinh doanh. Chúng tôi sẽ đảm nhiệm công tác đào tạo, tư vấn quản lý, xây dựng cửa hàng theo hình mẫu, làm trung gian giới thiệu nhà cung cấp sản phẩm và thu phí nhượng quyền. Hiện tại, tuy mới đi vào hoạt động nhưng kết quả kinh doanh khá khả quan. Cửa hàng cung cấp sản phẩm của 5 ngành hàng: thực phẩm, phi thực phẩm, rượu bia, nước giải khát và hóa mỹ phẩm với 200 nhà cung cấp. Trong đó, chúng tôi đã đàm phán mua được hàng trực tiếp từ khoảng 20 nhà sản xuất. Phương châm hoạt động của Dailymart là đáp ứng nhanh nhu cầu hàng ngày của khách hàng với phong cách phục vụ tốt hơn, giá rẻ hơn và đảm bảo chất lượng hàng hóa”.

Hiện tại, ở các nơi như: trường học, trại giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật hay bệnh viện... đang có nhu cầu siêu thị mini. Thấy được điều này, Vinatex đã “mở mũi” khai trương 2 siêu thị mini tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ông Chung Quốc Việt, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại Vinatex Cần Thơ, cho biết: “Với mô hình siêu thị mini trong bệnh viện, chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ lên hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi chú trọng khâu phục vụ khách hàng theo hướng cung cấp hàng hóa đầy đủ, nhanh chóng theo nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh với giá cả hợp lý, thống nhất. Hiện tại, siêu thị mini ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đã được nhiều khách hàng ủng hộ. Còn siêu thị mini ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đã được nhiều khách hàng biết và chuộng đến. Hiện tại, một số bệnh viện đa khoa ở vài tỉnh đã liên hệ với chúng tôi hợp tác xây dựng siêu thị mini trong bệnh viện”.

HƯỚNG ĐẾN VAI TRÒ TRUNG TÂM PHÂN PHỐI CỦA VÙNG

Ông La Minh Hồng, Giám đốc C.T.C, cho biết: “Cửa hàng Co.op, trung tâm bách hóa và một vài cửa hàng bán lẻ của C.T.C đang gặp thách thức do lượng khách chưa nhiều và C.T.C đang tìm giải pháp chuyển hướng. Với cửa hàng Co.op, chúng tôi sẽ trao đổi với Co.opMart để chuyển sang hoạt động như cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, chúng tôi xác định khách hàng mục tiêu để chuyển hướng kinh doanh, định vị lại trung tâm bách hóa và một số cửa hàng khác”.

Tại TP Cần Thơ, hiện đã có một số hộ cá thể đầu tư, nâng cấp cơ sở kinh doanh của mình theo dạng cửa hàng tự chọn, tương tự như mô hình cửa hàng tiện lợi với diện tích kinh doanh rộng rãi hơn, trang trí đẹp mắt, quầy kệ trưng bày hàng hóa phong phú thuận tiện cho khách hàng chọn lựa. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh bán lẻ nhận định, chưa đủ cơ sở để khẳng định cửa hàng tiện lợi sẽ “thắng thế” trên thị trường bán lẻ trong tương lai. Ở các nước tiên tiến, đây là mô hình phổ biến hoạt động theo phương thức: doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển việc kinh doanh của cửa hàng tiện dụng và thực hiện nhượng quyền kinh doanh để thu phí nhượng quyền qua các hoạt động: cho đối tác sử dụng thương hiệu, tư vấn xây dựng cửa hàng, đào tạo và tư vấn về quản lý, cung cấp hàng hóa. Vấn đề là thương hiệu có đủ mạnh để thu hút đối tác nhượng quyền.

Ông La Minh Hồng phân tích: “Hệ thống bán lẻ của TP Cần Thơ chủ yếu tập trung ở quận Ninh Kiều. Việc cạnh tranh đang diễn ra ngày càng gay gắt. Ngay các nhà bán lẻ chuyên nghiệp như các siêu thị cũng đang đổi mới, củng cố nâng chất đội ngũ nhân lực, hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay, C.T.C đã xác định tham gia thị trường bán lẻ bằng các phương thức: mở rộng hợp tác với Saigon Co.op sang giai đoạn mới; không kinh doanh cửa hàng bách hóa; tiếp tục đầu tư khai thác chợ. Chúng tôi sẽ xin chủ trương của UBND thành phố giao thêm một số chợ để C.T.C đưa vào khai thác kinh doanh. Ngoài ra, C.T.C sẽ hướng tới đẩy mạnh phát triển hệ thống bán sỉ qua 2 xí nghiệp chế biến thực phẩm 1 và 2”.

Ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ trên địa bàn quận Ninh Kiều, ở TP Cần Thơ còn xuất hiện ngày càng nhiều các nhà sản xuất, phân phối lớn tham gia thị trường bán lẻ. Đó là các cửa hàng, trung tâm bán lẻ các ngành hàng chuyên biệt như: điện thoại di động, văn hóa phẩm, xe gắn máy, hàng điện máy, thực phẩm... Nhiều nhà sản xuất, phân phối lớn đang phát triển thương hiệu và hệ thống bán hàng tại Cần Thơ như một bước xây dựng “tổng hành dinh” để mở rộng kênh phân phối ra thị trường khu vực ĐBSCL.

Với vị trí trung tâm của ĐBSCL, TP Cần Thơ sẽ còn thu hút nhiều thương hiệu lớn đến làm ăn. Đó là cơ sở vững chắc để đưa ngành thương mại, dịch vụ phát triển theo đúng định hướng - trở thành trung tâm phân phối hàng hóa của vùng.

Bài, ảnh: XUYẾN CHI

Chia sẻ bài viết