09/10/2019 - 07:23

Hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu 

Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TP Cần Thơ đã dẫn đầu vùng ĐBSCL trong XDNTM. Hiện toàn bộ 36 xã và 2/4 huyện của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ nền tảng này, TP Cần Thơ xác định tiếp tục nâng tầm xã nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nông thôn chuyển  mình

UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen cho các tập thể có đóng góp xuất sắc cho phong trào XDNTM của thành phố 10 năm qua.

UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen cho các tập thể có đóng góp xuất sắc cho phong trào XDNTM của thành phố 10 năm qua.

Về thành quả XDNTM thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh văn phòng Điều phối XDNTM TP Cần Thơ, cho biết: “Nét nổi bật dễ nhận thấy từ hiệu quả phong trào mang lại là kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, trong đó nguồn lực đầu tư nhà nước là một phần, nhưng quan trọng là thành phố đã huy động được một nguồn lực lớn trong nhân dân và xã hội hóa khá tốt. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 đến nay, phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM" được phát động sâu rộng, sôi nổi, khơi dậy trong mọi tầng lớp nhân dân, mang lại kết quả rất to lớn, góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhiều hộ dân ở nông thôn đã chủ động hiến đất, đóng góp ngày công lao động và tiền của để làm đường giao thông, xây cầu, nạo vét kinh thủy lợi và các công trình phúc lợi khác trên tinh thần tự nguyện “người dân là chủ thể XDNTM”. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng tích cực bằng việc mạnh dạn đầu tư trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn". 

Đến các huyện ngoại thành của Cần Thơ hôm nay, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được cải thiện đáng kể; sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, có sự chuyển dịch tiến bộ trong cơ cấu, sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Hiện tất cả các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện được trải nhựa hoặc bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; mạng lưới điện quốc gia bao phủ 100% số xã; 99% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 2,06%;...

Vinh dự là huyện thứ 2 của thành phố (sau Phong Điền) được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào tháng 8-2019, ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, đúc kết: "Để đạt được kết quả nêu trên, chúng tôi rút ra một bài học số kinh nghiệm như sau: Trước hết, phải có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để huy động mọi nguồn lực đầu tư XDNTM. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn, phải xác định được nội dung, tiêu chí trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện. Từ đó phân kỳ đầu tư, bố trí vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện hợp lý, đúng kế hoạch đề ra. Quá trình XDNTM, vai trò chủ thể của người dân phải được phát huy cao độ. Ngành chức năng vận động, định hướng người dân trong việc chỉnh trang hàng rào, nhà ở; thu gom và xử lý rác đúng quy định; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp".

Theo phản ánh từ nhiều địa phương, để tạo sự đồng thuận trong dân, Nhà nước phải luôn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, trước hết là giải quyết việc làm, đầu tư thỏa đáng cho văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn. Có thể nói, để XDNTM thành công cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa phát triển sản xuất với thực hiện tiến bộ và công bằng, giải quyết tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn.

Nâng chất toàn diện

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các huyện, xã của thành phố xác định tiếp tục đưa XDNTM vào chiều sâu trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Phong Điền có lợi thế phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái. Do đó, quá trình XDNTM của huyện tiếp tục gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Thành ủy về Xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Trong đó, Phong Điền tập trung vào các nội dung sau: hình thành và phát triển vùng đô thị sinh thái; vùng cây ăn trái; tuyến đường sông đạt cảnh quan môi trường; tạo nhiều sản phẩm du lịch về đặc trưng sinh thái…

Theo ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, công tác XDNTM được huyện xác định là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Do đó, huyện không dừng lại ở đây mà tiếp tục nâng cao chất lượng xã, huyện nông thôn mới; hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đích đến cuối cùng của XDNTM là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; chú ý phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2020, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về XDNTM và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kiên trì. Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, các xã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thúc đẩy và nhân rộng phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đối với huyện Thới Lai và Cờ Đỏ cần vạch rõ lộ trình, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm tiến tới mục tiêu ra mắt huyện nông thôn mới Thới Lai vào quý I-2020 và huyện nông thôn mới Cờ Đỏ vào quý II-2020.

Từ nay đến năm 2025, thành phố phấn đấu có 15/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (42% số xã); 9/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết