30/12/2019 - 13:44

Huawei trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ ở Trung Đông 

Bắc Kinh được cho đang sử dụng tập đoàn viễn thông Huawei để đạt được lợi ích địa chính trị trước Washington ở Trung Đông trong kế hoạch mà giới chuyên gia gọi là "Con đường tơ lụa kỹ thuật số".

Nhiều nước Trung Đông bắt tay với Huawei phát triển mạng 5G. Ảnh: Reuters

Theo đó, nhiều quốc gia Trung Đông đã và đang bắt tay với Huawei để phát triển mạng 5G, gồm Qatar, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait và Oman. Theo chuyên gia John Calabrese tại Viện Trung Đông, đối với các quốc gia khu vực này, đây là cơ hội để họ đa dạng hóa nền kinh tế, mang đến các dịch vụ công hiệu quả hơn cũng như thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Song, các chuyên gia cho rằng "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" là tham vọng của Trung Quốc trở thành "siêu cường không gian mạng" và là thách thức địa chính trị trực tiếp đối với vai trò thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ này trên quy mô toàn cầu, bao gồm tại Trung Đông.

Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định, Mỹ mạnh mẽ phản đối Huawei ở Trung Đông bởi Washington lo ngại xảy ra "những rủi ro an ninh tiềm ẩn" khi Huawei tham gia vào mạng lưới thông tin của nhiều quốc gia tại khu vực. Mối lo ngại của Mỹ đối với Huawei cũng phát sinh từ các phương thức mà công ty viễn thông này sử dụng để kiểm soát thị trường. Trong bản ghi nhớ của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ bị rò rỉ hồi tháng 1-2018, Washington tố Huawei sử dụng kịch bản biến dạng thị trường và giá cả ưu đãi để chiếm lĩnh thị trường cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu.

Do lo ngại Huawei gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lệnh cấm vận đối với Huawei, cấm các công ty trong nước bán sản phẩm công nghệ cho Huawei; vận động các đồng minh từ chối công nghệ 5G của hãng này đồng thời làm chậm quá trình mở rộng sang thị trường thứ ba của Huawei.

Tuy nhiên, nỗ lực của Washington không gặt hái kết quả thỏa đáng. Nhiều quốc gia châu Âu cũng như Vùng Vịnh không áp đặt lệnh cấm vận đối với Huawei. Trái lại, mạng 5G hiện được xem là "xương sống" của nhiều dự án xây dựng thành phố thông minh của Huawei tại Vùng Vịnh, trong bối cảnh các chính phủ tại khu vực mạnh tay đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng, triển khai dự án xây dựng thành phố thông minh cũng như thực thi các sáng kiến kỹ thuật số. Đến nay, Huawei đã xây dựng hơn 160 thành phố thông minh tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Tập đoàn viễn thông này gần đây đã ký thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với Chính phủ Uzbekistan để thiết lập hoạt động giám sát tại nước này. Không những vậy, Huawei cũng đang hỗ trợ Uzbekistan lắp đặt 883 camera ở thủ đô Tashkent để "quản lý các vấn đề chính trị". Còn tại Kazakhstan, Huawei đang hợp tác với các công ty viễn thông địa phương lắp đặt 2.000 camera.

"Các dự án thành phố thông minh có ý nghĩa về mặt quân sự ở Trung Đông bởi chúng có thể được dùng vào mọi thứ, như  nhắm vào một thủ lĩnh, một nhóm hoặc dùng để theo dõi hoạt động vận chuyển vũ khí. Nga không sở hữu được công nghệ này và cũng không thể đầu tư vào nó. Nhờ đó, Trung Quốc có thể cung cấp thông tin tình báo cho Nga" - Yau Tsz Yan, nhà nghiên cứu tại Viện hàn lâm OSCE (Kyrgyzstan), giải thích lý do vì sao Huawei có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế địa chính trị  đối với Mỹ. Bà Yau cho biết, Chính phủ Trung Quốc thúc giục các quốc gia đối tác tham gia sáng kiến "Vành đai, Con đường" mở rộng mạng lưới thông tin và biến "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" thành hiện thực.

HOÀNG NAM (Theo The Epoch Times)

Chia sẻ bài viết