01/11/2023 - 21:21

Houthi nhảy vào cuộc xung đột Israel - Hamas 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NY Times)

Ngày 31-10, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đã lần đầu tiên thừa nhận phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel, trong các cuộc tấn công tô đậm nguy cơ bùng phát xung đột trong khu vực.

Một cuộc duyệt binh của nhóm Houthi ở Yemen nhằm thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine hồi tháng 10. Ảnh: Getty Images

Một cuộc duyệt binh của nhóm Houthi ở Yemen nhằm thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine hồi tháng 10. Ảnh: Getty Images

Mối đe dọa cho phía Nam Israel

Trong tuyên bố trên truyền hình, Yahya Saree, phát ngôn viên của Houthi, cho biết nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn này đã phóng “lượng lớn” tên lửa và UAV về phía Nam Israel vào ngày 31-10, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công như thế “nhằm giúp người dân Palestine giành chiến thắng”. Ông Saree nói rằng đây là đợt tập kích thứ 3 của Houthi nhằm vào Israel kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine bùng phát hôm 7-10. Phát biểu này dường như cũng xác nhận Houthi đứng sau cuộc tấn công bằng UAV gây ra các vụ nổ ở Ai Cập hôm 28-10 và vụ bắn 3 tên lửa hành trình mà Hải quân Mỹ đánh chặn ngày 19-10.

Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị quay trở lại Trung Đông

Ngày 31-10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ tới Israel vào ngày 3-11 để gặp gỡ các thành viên chính phủ nước chủ nhà và sau đó sẽ dừng chân tại một số quốc gia khác trong khu vực giữa lúc cuộc xung đột giữa Hamas và Israel tiếp diễn. Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Blinken đã đến Israel, Jordan, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 31-10 tuyên bố hệ thống phòng không Arrow của nước này đã đánh chặn một tên lửa đất đối đất bay từ “khu vực Biển Ðỏ” nhằm vào thành phố Eilat. Theo IDF, tên lửa này có thể do lực lượng Houthi ở Yemen phóng. Trong khi đó, các chiến đấu cơ Israel hạ “các mục tiêu thù địch”, được cho là UAV, bay trên Biển Ðỏ. IDF thông báo tất cả mối đe dọa đã bị đánh chặn bên ngoài lãnh thổ Israel.

Phát ngôn viên Saree không nói rõ loại vũ khí đã bắn trong cuộc tấn công trên, nhưng việc Israel sử dụng hệ thống Arrow cho thấy đây là tên lửa đạn đạo. Hệ thống Arrow có thể đánh chặn các phương tiện trên bầu khí quyển với tầm bắn lên tới 2.400km. Houthi có biến thể của tên lửa đạn đạo Burkan với khả năng vươn xa hơn 1.000km để đánh trúng mục tiêu gần thành phố Eilat. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder thừa nhận Houthi sở hữu những tên lửa có tầm bắn khoảng 2.000km.

Nhóm Houthi đã thể hiện năng lực tên lửa và UAV trong cuộc chiến ở Yemen nổ ra từ năm 2014, thông qua các đòn tấn công nhằm vào Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Liên quân Arab chống Houthi do Saudi Arabia dẫn đầu cáo buộc Iran cung cấp vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho phe nổi dậy này. Houthi, lực lượng chiếm giữ thủ đô Sanaa của Yemen và phần lớn khu vực miền Bắc nước này, phủ nhận họ là lực lượng ủy nhiệm của Iran và khẳng định tự mình sản xuất vũ khí.

Houthi đang là một phần quan trọng trong “Trục kháng cự” của Iran, bao gồm nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon - quốc gia láng giềng ở phía Bắc của Israel.

Hezbollah khó xử

Trong khi đó, Hezbollah đã rơi vào thế khó xử kể từ khi Hamas thực hiện vụ đột kích đẫm máu ở miền Nam Israel hôm 7-10. Hezbollah đang bị giằng xé giữa việc duy trì uy tín là lực lượng bảo vệ người Palestine và sự do dự tham gia cuộc chiến quy mô lớn.

Trong suốt chiều dài lịch sử 40 năm của Hezbollah, tổ chức này tự coi là phong trào chuyên bảo vệ Lebanon, chống lại Israel và ủng hộ cuộc đấu tranh cho một nhà nước độc lập của người dân Palestine. Cho đến nay, Hezbollah chỉ xảy ra các cuộc đụng độ hạn chế với binh sĩ Israel, nhưng cũng đã khiến nhiều người thiệt mạng. Ðây là đợt leo thang bạo lực tồi tệ nhất tại biên giới Israel - Lebanon kể từ xung đột Israel - Hezbollah năm 2006.

Hiện nay, giới chức phương Tây và Arab cho rằng Hezbollah có thể siết chặt Israel bằng cách mở rộng các cuộc tấn công vào miền Bắc nước này khi mà phần lớn quân đội Israel đang phải tập trung chiến đấu với Hamas ở Dải Gaza. Tuy nhiên, Hezbollah đang kiềm chế vì những toan tính cho tình hình trong nước và khu vực. Tại Lebanon, không nhiều người ủng hộ chiến tranh khi nước này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Còn ở khu vực, nếu Hezbollah mở mặt trận thứ hai, điều đó có thể buộc Mỹ nhảy vào tiếp sức cho Israel.

Theo một quan chức Lebanon, Hezbollah nêu rõ lằn ranh đỏ của họ là việc Hamas bị xóa sổ và Hezbollah sẽ tham chiến nếu Hamas rơi vào cảnh kiệt quệ. Phía Israel đã công khai mục đích xóa sổ Hamas và quân đội đang thọc sâu hơn vào Dải Gaza. Tuy nhiên, Hezbollah tin rằng Hamas hiện ở vị trí thuận lợi và chưa cần sự hỗ trợ từ họ.

Chia sẻ bài viết