17/05/2020 - 10:45

Hollywood tái cơ cấu ngành giải trí 

Khi dịch COVID-19 lan rộng, các rạp chiếu đều phải đóng cửa và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động bình thường trở lại. Đây là tổn thất lớn cho ngành công nghiệp giải trí, nhất là tại Hollywood. Nhiều đơn vị sản xuất, nhà phát hành đã tìm giải pháp để thích ứng trong tình hình mới, tạo sự thay đổi khiến điện ảnh phải dần tái cơ cấu.

“Trolls World Tour”.

John Stankey, Giám đốc điều hành AT&T - công ty mẹ của Warner Bros. nhận định rằng thói quen của khán giả sẽ thay đổi sau COVID-19 và các đơn vị phải thích ứng với điều này. “Chúng tôi đang định hình lại mô hình rạp chiếu phim của mình”, John Stankey nói. Thực tế, trong thời gian dịch bệnh, các quốc gia áp dụng lệnh giãn cách, khán giả buộc lựa chọn giải trí tại nhà và quen dần với việc thưởng thức nội dung trên nền tảng trực tuyến, hơn là ra rạp. Điều này được chứng minh khi Netflix có sự gia tăng đáng kể người dùng. Cuối tháng 4, Netflix thông báo có thêm 16 triệu người đăng ký mới trong quý I của năm 2020. Trong khi đó, Disney cũng nhanh chóng đưa ra tổng số người đăng ký Disney+ là 54,5 triệu người (tính đến đầu tháng 5-2020). Đây là con số ấn tượng với dịch vụ trực tuyến chỉ mới đi vào hoạt động 6 tháng (Disney+ ra mắt vào tháng 11-2019).

Các chuyên gia cho rằng thói quen này có thể khiến khán giả không muốn mua vé ở rạp nữa, nhất là các phim tầm trung và nhỏ. Do đó, rất có thể trong tương lai ở rạp chỉ còn dòng phim thương hiệu: Marvel, Star Wars, James Bond… Những phim nghệ thuật, độc lập hay phim vừa và nhỏ có thể sẽ biến mất ở rạp. Đây cũng là điều mà Rich Greenfield, nhà phân tích truyền thông tại LightShed, dự đoán và lo lắng: “Đại dịch càng kéo dài, sự thay đổi hành vi càng nhiều. Khán giả càng xem nhiều phim trên Netflix, Amazon hay Disney+ thì càng khó khăn hơn để kéo họ đến rạp sau khi hết dịch bệnh”.

Đại dịch COVID-19 đã làm nhiều thứ phải thay đổi và ngành công nghiệp điện ảnh cũng chịu chung tình trạng đó. Nhà phân tích truyền thông Moffett Nathanson, phân tích: “Khi bước vào năm 2020, chúng tôi đã nhận định rằng các trụ cột truyền thông cơ bản đang bắt đầu rạn nứt. Giờ đây, chúng tôi sợ rằng nó sẽ sụp đổ khi thói quen của khán giả chuyển sang các mô hình phát trực tuyến. Điều này tác động rất lớn đến ngành truyền hình, truyền thông và điện ảnh. Bài toán kinh doanh và thị trường sẽ được thiết lập lại và điều này có lợi cho các hạ tầng trực tuyến. Đó là lý do vì sao Netflix, Amazon hay Disney+ dễ nổi lên và ngày càng có sức hút. Họ có cả quyền chủ động sản xuất nội dung”.

Thực tế cho thấy khi các hãng có hạ tầng trực tuyến riêng thì việc tiếp cận thị trường và thị hiếu khán giả trở nên thuận lợi hơn, cũng không phải đặt quá nặng việc phát hành ngoài rạp. Điều này vô tình thiết lập một cơ cấu mới: các phim ra rạp sẽ là các phim thương hiệu đình đám, còn các phim tầm trung hay độc lập khả năng sẽ không có đường ra rạp mà phát thẳng lên trực tuyến. Thực tế này đang diễn ra tại Hollywood. Các chuyên gia nhận định rằng khi các rạp chiếu phim được phép mở cửa trở lại, các hãng sẽ cũng chỉ đưa ra những át chủ bài có thể thu về tiền tỉ, có khả năng sinh lãi cao. Vì trong lúc khó khăn như thế, các hãng sẽ không mạo hiểm đưa ra những sản phẩm không có sự đảm bảo. Đó chính là lý do vì sao “Wonder Woman 1984”, “Black Widow”, “Thor: Love and Thunder”, “Doctor Strange in the Multiverse of Madness”… lựa chọn dời lịch phát hành. Trong khi nhiều tác phẩm tầm trung khác: “Artemis Fowl” (Disney), “The Lovebirds” (Paramount), “My Spy” (STX) đều lựa chọn giải pháp an toàn, lên thẳng nền tảng trực tuyến.

Cả hai tác phẩm danh tiếng “Trolls World Tour” của Universal và “Scoob” của Warner Bros. cũng không đợi đến hết đại dịch mới ra rạp, thay vào đó đã ra bản DVD, Bluray để bán. Như vậy, tùy theo từng tác phẩm mà các các hãng lựa chọn phương án phù hợp. Universal cũng thông tin rằng “Trolls World Tour” đã có tuần mở màn ấn tượng nhất từ trước đến nay trên nền tảng trực tuyến. Nếu ở điều kiện thông thường, có lẽ nó đã không làm được như vậy. David A. Gross- người điều hành công ty tư vấn phim FranchiseRe, nói: “Các gia đình đã bị giữ trong nhà nhiều tuần. Chúng tôi biết điều này sẽ giúp hình thức streaming và cho thuê phim theo yêu cầu đặc biệt phát triển mạnh. “Trolls World Tour” và “Scoob” xuất hiện dưới dạng băng đĩa cho thuê đã có được lợi thế độc đáo đó”.

Nhà phân tích truyền thông Moffett Nathanson nói: “Ngành công nghiệp điện ảnh đang ở trong một trạng thái kỳ lạ. Các hãng phim không biết khi nào sẽ phát hành phim, do không chắc chắn về lượng khán giả. Còn các rạp thì cũng đau đầu vì không biết khi nào mở lại, một phần vì dịch bệnh chưa được kiểm soát, một phần vì lịch phát hành của các hãng không ổn định. Trạng thái bất định này càng kéo dài, vị thế của các nhà rạp sẽ càng yếu đi. Tuy nhiên có điều chắc chắn rằng, ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood buộc phải cơ cấu lại”. Đồng quan điểm, David A. Gross, người điều hành công ty tư vấn phim FranchiseRe, cũng nhận định: “Cuộc tranh cãi xoay quanh thời gian chiếu rạp đã âm ỉ trong nhiều năm và sẽ tiếp tục như thế. Điều đáng lo ngại là các hệ thống rạp đang ở thế yếu. Họ không có được lợi thế như đã từng sở hữu trước lúc dịch bệnh xảy ra”.

Tuy nhiên, nhà đầu tư truyền thông Ryan Kavanaugh lại cho rằng: “Rất nhiều người nghĩ rằng đó là cái chết của các rạp chiếu nhưng tôi thì không. Những gì chúng ta thấy sẽ không phải là rạp chiếu chết đi và biến mất, thay vào đó chúng ta có thể thấy các hãng phim sẽ sở hữu rạp chiếu. Nếu bạn là Warner Bros. hay Amazon và bạn muốn giữ cửa phát hành; bạn sẽ đi đến hình thức khác, tích hợp lợi ích hơn. Đó có thể là mô hình phát hành cùng ngày, tính phí nhiều hơn tại nhà”.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, TheWrap, Nytimes)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hollywood