14/10/2010 - 21:00

Hóc dị vật đường thở -
tình huống bất ngờ

Ths, BS CHÂU CHIÊU HÒA
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ

Hóc dị vật có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em, kế đến là người cao tuổi. Nhiều trường hợp dị vật rơi vào đường thở gây tử vong nhanh chóng hoặc một số trẻ bị dị vật rơi vào phế quản lâu ngày gây khó thở, viêm nhiễm… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Nhận biết được những dấu hiệu, nghĩ đến và nghi ngờ hốc dị vật là yếu tố hết sức quan trọng để thực hiện các chẩn đoán, xử trí kịp thời, hợp lý.

Trẻ nhỏ có thói quen đưa đồ chơi vào miệng nên phụ huynh cần cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi
cho trẻ.

Những thói quen nguy hiểm

Đầu năm 2010, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ cấp cứu trường hợp mắc dị vật khá hy hữu. Bệnh nhi là L. K. L, 19 tháng tuổi, bị một con cá lưỡi trâu dài 7cm chui vào vòm mũi họng, đầu cá đã chui vào cửa sau của mũi. Cháu bé suýt tử vong chỉ vì một phút sơ suất của người nhà khi trước đó, bé L. cầm con cá lưỡi trâu để chơi rồi cho cá vào miệng. Tương tự như trường hợp bé L, nhiều bệnh nhi nhập viện cấp cứu với các dị vật như tiền xu, hạt me, hạt đậu phộng, xương lươn, cúc áo... mắc ở đường thở. Những trường hợp hóc dị vật này thường rơi vào các tình huống như: người nhà cho trẻ chơi tiền xu, viên bi mà không ngờ bé sẽ cho dị vật vào miệng, để dị vật trong tầm với và trẻ nhặt được bỏ vào miệng nuốt, cũng không ít trường hợp trẻ bị sặc trong lúc ăn hay hóc xương mà cha mẹ không hay...

Mắc dị vật ở đường thở được xếp vào bệnh cấp cứu nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời thường dẫn đến tử vong. Dị vật đường thở có thể nằm ở thanh quản, khí quản và phế quản... Bản chất dị vật được phân làm 2 loại: dị vật là chất hữu cơ hay chất vô cơ. Dị vật thường gặp nhất là các hạt đậu phộng, hạt mãng cầu, hạt dưa, các đốt xương lươn, xương ếch, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, hạt chuỗi nhựa, kim, viên bị... Dị vật đường thở thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến là ở trẻ từ 1-5 tuổi do trẻ có thói quen ngậm các đồ vật, đồ chơi thức ăn trong miệng. Tình huống xảy ra trong lúc trẻ khóc khi đang ăn, cười đùa, sợ hãi... làm các vật đang ngậm trong miệng bị rơi vào đường thở. Một số trường hợp đặc biệt hay gặp ở các gia đình có thói quen ép trẻ ăn, uống thuốc bằng cách bịt mũi, bắt trẻ há miệng để đưa thức ăn, nước uống vào miệng khi trẻ chưa chuẩn bị để nuốt... Hóc dị vật đường thở cũng xảy ra ở người lớn có thói quen ngậm các vật dụng trong khi lao động như đinh, ghim, kẹp... Thực tế cũng đã có trường hợp ngậm cá còn sống trong miệng, bị cá chui và gây bít đường thở và tử vong.

Nhận biết hóc dị vật

Người lớn hay trẻ em đang ăn hoặc ngậm đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát - đó là hội chứng xâm nhập xảy ra khi dị vật qua thanh quản, niêm mạc bị kích thích, chức năng phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản được huy động để tống dị vật ra ngoài. Trong trường hợp dị vật to, mắc kẹt ở thanh môn không ho bắn ra được, cơn khó thở này có thể dẫn tới tử vong.

Tùy theo vị trí mắc kẹt của dị vật, tính chất của dị vật và thời gian dị vật mắc ở đường thở mà bệnh nhân đến khám, sẽ có các triệu chứng khác nhau:

- Trường hợp dị vật mắc ở thanh quản: biểu hiện khàn tiếng tăng dần, khó thở ngày càng tăng tùy theo bản chất và kích thước của dị vật.

- Dị vật ở khí quản: sau hội chứng xâm nhập, người bệnh có thể trở lại bình thường, thỉnh thoảng có cơn khó thở do ho sặc, thở mạnh, đẩy dị vật lên thanh môn. Trong trường hợp dị vật bị kẹt lại ở thanh môn, cơn khó thở đôi khi cũng nguy hiểm đến tính mạng.

- Dị vật phế quản: sau hội chứng xâm nhập người bệnh trở lại bình thường trong nhiều giờ. Sau đó, ở bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu viêm nhiễm do dị vật gây ra, như: phù nề, xuất tiết, bội nhiễm. Nhiều trường hợp bị xẹp phổi do dị vật gây viêm nề, tắc hoàn toàn một đoạn lòng phế quản hay khí phế thủng khi dị vật gây tắc một phần.

Dị vật đường thở ở trẻ càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng tăng. Có khi dị vật được lấy ra khá nhanh chóng nhưng vẫn không cứu được bệnh nhi vì bị viêm phế quản - phổi cấp rất nặng. Nếu dị vật là hạt thực vật, ngấm nước sẽ trương to ra, gây nhiễm trùng và ứ đọng xuất tiết. Tỷ lệ biến chứng sau điều trị hóc đị vật đường thở từ 20% - 30% và tỷ lệ tử vong khoảng 5%.

Để điều trị hóc dị vật đường thở, bác sĩ thường khám lâm sàng kết hợp thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như X- quang, nội soi. Nội soi thanh khí phế quản để gắp dị vật là biện pháp tích cực nhất. Trường hợp khó có khi phải mở lồng ngực, mở phế quản để lấy dị vật. Trong trường hợp bệnh nhân khó thở nặng thì phải mở khí quản trước khi nội soi. Nếu bệnh nhân mệt nhiều thì cần được hồi sức trước khi nội soi. Trường hợp chưa lấy được dị vật hoặc phải chuyển viện thì bệnh nhân cần được mở khí quản để tránh những cơn khó thở đột ngột bất thường. Sau khi nội soi, gắp dị vật, bệnh nhân cũng cần được theo dõi khó thở kết hợp dùng thuốc chống viêm, chống phù nề, nâng cao thể trạng.

Để tránh xảy ra tình huống dị vật rơi vào đường thở, người lớn không nên để cho trẻ đưa vật dụng, đồ chơi vào miệng ngậm và mút; không nên cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như: hạt đậu phộng, mãng cầu, hạt dưa. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi và càng dễ bị hóc hơn. Người lớn cần tránh thói quen ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc.

 

Chia sẻ bài viết