Xúc tiến, quảng bá là một trong những giải pháp quan trọng kết nối thị trường, thắt chặt liên kết tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương. Trên tiến trình hội nhập, ngành du lịch Cần Thơ không ngừng đổi mới, năng động trong xúc tiến, quảng bá với nhiều hình thức đa dạng, tiếp cận du khách.

Các đơn vị gặp gỡ và trao đổi bên lề hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ tại Huế.
Đổi mới hoạt động
Tháng 5-2025, TP Cần Thơ đã phối hợp với Hậu Giang, Sóc Trăng cùng thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại Huế. Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ, cho biết: “Qua mỗi kỳ xúc tiến, quảng bá chúng tôi có những đổi mới. Lần này, chúng tôi tổ chức hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm du lịch giữa các địa phương có sự gặp gỡ, giao lưu chia sẻ, giới thiệu sản phẩm, từ đó thúc đẩy liên kết hợp tác hiệu quả”. Ðây cũng là lần đầu hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ có hoạt động B2B và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp du lịch đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Trung: Ðà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị.
Ông Trương Ngọc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông XCD Media & Travel (Ðà Nẵng), chia sẻ: “Tôi và các doanh nghiệp làm du lịch ở Ðà Nẵng, Huế đều rất quan tâm đến hội nghị xúc tiến, quảng bá của Cần Thơ lần này tại Huế. Qua đây, chúng tôi gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch ở Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ, được chia sẻ các sản phẩm du lịch và trao đổi để gắn kết hơn. Tôi kỳ vọng sự gặp gỡ giao lưu lần này sẽ tạo ra nhiều liên tuyến, nhiều sản phẩm kết nối giữa Cần Thơ, Tây Nam Bộ và Huế, Ðà Nẵng, khu vực miền Trung”. Ðồng quan điểm, ông Trần Thanh Tú, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Tú Trần (Huế), cũng cho rằng: “Hội nghị lần này rất ý nghĩa, miền Trung và Tây Nam Bộ có kết nối, trong đó các doanh nghiệp được trực tiếp gặp gỡ, có thể lập nhóm chia sẻ các sản phẩm, liên tuyến điểm, dịch vụ với nhau”.
Bà Ngô Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty du lịch Ngô Phương Ðông (Cần Thơ), nói: “Lần này, chương trình xúc tiến, quảng bá có đầu tư bài bản, tạo cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp giữa hai vùng. Khi có thông tin về hoạt động B2B, các đối tác của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp ở miền Trung từ Ðà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị đều đăng ký tham gia. Ðây là cơ hội để doanh nghiệp có thể kết nối và chia sẻ nhiều sản phẩm, dịch vụ cùng nhau, truyền tải điểm mới ở Huế, miền Trung đến ÐBSCL và ngược lại”. Bà Nguyễn Thế Ngọc, Giám đốc Ngân Long Home & Camp cồn Sơn (Cần Thơ), cũng nhận định: “Hội nghị xúc tiến, quảng bá lần này đã tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp giữa các bên gặp gỡ, giao lưu. Tôi cho rằng đây là hoạt động rất thiết thực và hữu ích với các doanh nghiệp, tạo nền tảng bước đầu để chúng tôi hướng đến ký kết liên kết về du lịch”. Còn bà Nguyễn Kim Thùy, Chủ tịch HÐQT Hợp tác xã Kỳ Như (Hậu Giang), chia sẻ: “Hội nghị xúc tiến, quảng bá lần này rất bổ ích với doanh nghiệp. Ðây là cơ hội để chúng tôi giới thiệu các sản phẩm du lịch địa phương, kết nối các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của các địa phương”.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ tại Huế và hành động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành ở hai khu vực ÐBSCL và Bắc Trung Bộ là hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Sự vào cuộc, thống nhất trong công tác xúc tiến, quảng bá giữa Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng cho thấy sự chủ động trong các hoạt động du lịch khi 3 địa phương chuẩn bị sáp nhập. Nhiều cơ hội mở ra, huy động nguồn lực tập trung hơn, tạo nên sức mạnh tổng hợp và truyền thông quảng bá điểm đến đa dạng, hiệu quả. Qua đó, từng bước đẩy mạnh kết nối thị trường, chuỗi liên kết điểm đến giữa hai khu vực ÐBSCL và Bắc Trung Bộ, trong đó Cần Thơ và Huế đóng vai trò trung tâm”.
Phát huy giá trị liên kết vùng
Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, cho biết: “Lần xúc tiến, quảng bá du lịch tại Huế này, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng là một khối cùng quảng bá các tiềm năng, thế mạnh sản phẩm du lịch của 3 địa phương đến Huế và khu vực miền Trung. Chúng tôi giới thiệu những sản phẩm đặc trưng: văn hóa sông nước, nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn và hệ thống sản phẩm từ các cồn. Trong khi đó, Huế và các tỉnh, thành miền Trung mang đến những sản phẩm về di sản, văn hóa lịch sử… Hai vùng có những sản phẩm đặc trưng và khi liên kết sẽ tạo nên những trải nghiệm đa dạng cho du khách”. Ðồng quan điểm, bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch Huế, cho rằng: “Liên kết du lịch giữa miền Trung và miền Tây dựa trên văn hóa khác biệt giữa hai khu vực. Cần Thơ, miền Tây và Huế, miền Trung có những dòng sản phẩm khác nhau và điều này tạo điều kiện liên kết tiềm năng. Sự kết hợp văn hóa lịch sử cố đô Huế, ẩm thực, nhã nhạc cung đình với văn hóa sông nước, chợ nổi, đờn ca tài tử ở Cần Thơ là những điểm nhấn quan trọng trong xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết, tạo sự đa dạng văn hóa vùng miền mang đến cho du khách trải nghiệm mới và độc đáo hơn”.
Chia sẻ về tiềm năng liên kết sản phẩm, thị trường giữa miền Tây và miền Trung, bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội tại Huế, nói: “Miền Tây và miền Trung có 2 dòng sản phẩm rất khác biệt. Miền Trung có những sản phẩm du lịch di sản, còn miền Tây có sản phẩm du lịch sông nước, điều này sẽ tạo nên những trải nghiệm khác nhau. Do đó, việc liên kết hợp tác phát triển giữa 2 khu vực sẽ có nhiều lợi thế. Ðể phát huy lợi thế này, tôi cho rằng các doanh nghiệp giữa 2 khu vực nên thành lập liên minh các doanh nghiệp du lịch để hỗ trợ nhau. Nhóm doanh nghiệp du lịch miền Trung có dòng sản phẩm di sản, nhóm doanh nghiệp du lịch miền Tây có dòng sản phẩm sông nước. Chúng ta cùng kích cầu du lịch với giá ưu đãi cho hai sê-ri sản phẩm này. Sự hợp lực của các doanh nghiệp ở 2 vùng cùng chung sức cho 2 dòng sản phẩm đặc trưng có thể tạo hiệu quả nhất định”. Trong khi đó, ông Ngô Minh Ðức Uy, Phòng Phát triển thị trường của Công ty du lịch Nụ Cười Mekong tại Cần Thơ, cho rằng: “Qua hội nghị, famtrip, chúng ta cũng có những đánh giá nhất định về tiềm năng và cơ hội liên kết hợp tác du lịch giữa các địa phương, trong đó có những liên kết xây dựng tour tuyến sản phẩm du lịch cùng nhau. Tuy nhiên về lâu dài, để tạo điều kiện cho sự liên kết du lịch ngày càng hiệu quả, tôi cho rằng cần có đường bay Cần Thơ - Phú Bài (Huế)”.
Ðể việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương đi vào thực chất, có chiều sâu, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh: Cần Thơ và Huế cần phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ, phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương. Chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết địa phương đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách, trong đó quan tâm đến các sản phẩm chuyên đề di sản - sinh thái - ẩm thực. Ðồng thời đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp lữ hành, kết nối và mở rộng thị trường, trao đổi khách; xây dựng các gói kích cầu du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, liên kết phát triển du lịch... Song song đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tham mưu Bộ VHTT&DL đổi mới, hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt thúc đẩy các liên kết hợp tác công - tư; đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.
Bài, ảnh: ÁI LAM