28/05/2025 - 09:29

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho trẻ em 

Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em được quan tâm hàng đầu - đây là nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với trẻ em. Bên cạnh các quyền được chăm sóc và giáo dục, trẻ em được bảo vệ trong lĩnh vực pháp luật, cụ thể là hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL).


Học sinh Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được tư vấn về các quy định pháp luật và TGPL.

 

Hiến pháp năm 2013 quy định, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Luật Trẻ em quy định 25 quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được TGPL, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác...

Luật TGPL quy định mọi trẻ em (người dưới 16 tuổi) được TGPL miễn phí của Nhà nước. Ở Việt Nam quy định quyền được TGPL của trẻ em mở rộng hơn so với cam kết tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Theo Luật TGPL năm 2017, người dưới 18 tuổi bị buộc tội và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, có khó khăn về tài chính, được TGPL miễn phí. Trẻ em dưới 16 tuổi không chỉ được TGPL miễn phí khi bị buộc tội trong lĩnh vực hình sự mà còn được trợ giúp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình...

Luật TGPL năm 2017 quy định về quyền của người được TGPL như sau: được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL. Ðược thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL. Lựa chọn một tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL theo quy định. Thay đổi, rút yêu cầu TGPL; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định.

Theo quy định nêu trên thì trẻ em có quyền tự mình yêu cầu TGPL và đồng thời không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác khi được TGPL. Người được TGPL là trẻ em có nghĩa vụ: cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL; hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc TGPL và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó; tôn trọng tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc TGPL. Không yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác TGPL cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện TGPL thụ lý, giải quyết; chấp hành pháp luật về TGPL và nội quy nơi thực hiện TGPL.

Khi người thuộc đối tượng TGPL có yêu cầu về TGPL hãy liên hệ: 
Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, địa chỉ: số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ; số điện thoại: 0292.3825926-0292.3810328.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết