19/04/2020 - 10:59

Hoạt chất trong cây liễu có tiềm năng chữa nhiều loại ung thư 

Thế giới tự nhiên luôn là nguồn dược liệu vô tận của nhân loại. Điển hình như cây liễu, loài thực vật giúp khởi tạo ra thuốc aspirin nhiều công dụng, mới đây còn được phát hiện chứa một hóa chất gọi là miyabeacin có khả năng tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư - theo các nhà khoa học Anh.

Hoạt chất miyabeacin từ cây liễu có tiềm năng điều trị bệnh u nguyên bào thần kinh ở trẻ  nhỏ.  Ảnh: Chemistry World

Thật ra lá và vỏ cây liễu đã được sử dụng cho mục đích giảm đau từ cách đây hàng ngàn năm, chẳng hạn như người Ai Cập cổ dùng vỏ cây liễu để chữa đau khớp. Đến năm 1987, hãng dược phẩm Bayer của Đức bắt đầu tổng hợp hoạt chất axít salicylic trong cây liễu để điều chế ra loại thuốc đặt tên là aspirin - một trong những dược phẩm bắt nguồn từ thiên nhiên sớm nhất và được dùng phổ biến trên toàn thế giới cho đến ngày nay.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Rothamstead và chuyên gia ung thư tại Đại học Kent đã tiến hành thử nghiệm hoạt tính của miyabeacin trong phòng thí nghiệm và nhận thấy nó có khả năng tiêu diệt nhiều dòng tế bào ung thư vú, cổ họng và buồng trứng. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt quan tâm về khả năng chữa trị bệnh u nguyên bào thần kinh (neuroblastoma) của miyabeacin. Đây là dạng ung thư phổ biến nhưng khó trị ở trẻ em dưới 5 tuổi, với tỷ lệ sống sót chưa tới 50%.

Giáo sư Mike Beale, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Về mặt cấu trúc, miyabeacin có chứa hai nhóm thuốc kháng viêm salicin nên nó có tiềm năng chống viêm và chống đông máu cao gấp đôi, mà chúng ta liên tưởng với aspirin. Song, kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận hoạt tính của miyabeacin trong việc chống lại một loạt tế bào ung thư - kể cả dòng tế bào kháng thuốc điều trị, củng cố thêm bằng chứng về dược lý đa diện của cây liễu”.

Tuy lạc quan trước kết quả ban đầu, song các nhà khoa học vẫn còn phải nghiên cứu nhiều trước khi có thể chuyển hóa miyabeacin thành dược phẩm chữa ung thư và đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Theo đó, bước tiếp theo của họ sẽ là tăng sản lượng chiết xuất miyabeacin từ cây liễu, nhằm có thêm nguyên liệu để thử nghiệm y khoa.

Aspirin có thể giảm nguy cơ ung thư

Cũng liên quan đến nỗ lực chữa trị ung thư, các nhà nghiên cứu ở Khoa Y Đại học Milan (Ý) mới đây khẳng định sử dụng đều đặn thuốc aspirin giúp giảm 20-40% nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Kết luận này được họ đưa ra sau khi điều nghiên 113 nghiên cứu gần đây, tiến hành trên 210.000 bệnh nhân.

Cụ thể, so với người không thường xuyên dùng aspirin, người dùng thuốc này giảm 27% nguy cơ ung thư đại trực tràng, 33% ung thư thực quản, 36% ung thư dạ dày và 39% ung thư tâm vị dạ dày. Riêng với ung thư tụy – dạng ung thư có tỷ lệ tử vong cao, dùng aspirin giúp giảm 25% nguy cơ phát triển bệnh sau 5 năm. Nhìn chung, liều dùng thấp 75-100mg aspirin mỗi ngày tương ứng giảm 10% nguy cơ ung thư, trong khi dùng liều cao 325mg aspirin/ngày giúp giảm 35% nguy cơ mắc bệnh. Điều đó có nghĩa dùng aspirin với liều cao càng lâu dài, thì tỷ lệ mắc ung thư càng giảm.

Thật ra, mối liên hệ giữa sử dụng aspirin lâu dài với giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư đã được xác định trước đó, nhưng nghiên cứu nói trên là lớn nhất cho đến nay tập trung vào lợi ích giảm ung thư đường tiêu hóa của loại thuốc giảm đau phổ biến này. Tuy vậy, Giáo sư dịch tễ học Carlos La Vecchia, tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh việc dùng aspirin để phòng ngừa bất kỳ bệnh ung thư nào chỉ nên được thực hiện khi đã có sự tư vấn từ bác sĩ.

 AN NHIÊN (Theo New Atlas, AFP)

Chia sẻ bài viết