07/08/2020 - 07:43

Hoàn cảnh sống bất lợi ảnh hưởng ra sao tới sự phát triển của trẻ? 

Lâu nay, giới khoa học nỗ lực tìm hiểu ảnh hưởng của hoàn cảnh sống đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Theo một phân tích quy mô lớn vừa đăng trên Tạp chí Psychological Bulletin của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, việc phải sống trong môi trường bất lợi dễ khiến trẻ bị dậy thì sớm, tăng tốc độ lão hóa tế bào và biến đổi cấu trúc não bộ.

Môi trường gia đình có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển toàn diện ở trẻ.

Những phát hiện kể trên được chuyên gia Katie McLaughlin và các cộng sự tìm ra, sau khi phân tích 79 nghiên cứu được tiến hành trên 116.000 người sinh trưởng trong hoàn cảnh khó khăn. Những công trình này đều tập trung nghiên cứu sự tương quan giữa hoàn cảnh sống bất lợi thời thơ ấu với thời điểm dậy thì, tốc độ lão hóa tế bào và thay đổi cấu trúc não ở các đối tượng. Trong đó, hoàn cảnh sống được chia thành 2 dạng – gồm môi trường “đe dọa” (thường đối mặt với hành vi có tính chất lạm dụng và bạo lực) và môi trường “thiếu thốn” (lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục, bị bỏ mặc hoặc nghèo khổ triền miên).

Sau khi rà soát, các chuyên gia nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa môi trường “đe dọa” và “thiếu thốn”. Cụ thể, môi trường sống “đe dọa” có liên quan nhiều hơn đến việc gia tăng tốc độ lão hóa ở người tham gia. Còn môi trường sống “thiếu thốn” tuy có tác động đáng kể, nhưng ít nghiêm trọng hơn đối với việc đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Khi bước vào giai đoạn trưởng thành, những đối tượng trải qua hoàn cảnh bất lợi có thể mắc các rối loạn tâm lý - bao gồm rối loạn lo âu, hội chứng tăng động giảm chú ý; lạm dụng chất gây nghiện; tự tử và mắc bệnh tim.

Nhìn chung, tốc độ lão hóa tế bào của trẻ sống trong “nghịch cảnh” vẫn nhanh hơn thông thường. Việc phải chịu đựng tình trạng căng thẳng tinh thần triền miên có liên quan với việc rút ngắn telomere (phần mũ ở các đầu nhiễm sắc thể bảo vệ cấu trúc ADN) và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất khi trưởng thành. Bên cạnh đó, kết quả phân tích 25 nghiên cứu điều tra tác động của nghịch cảnh đối với cấu trúc não cho thấy, việc sinh trưởng trong môi trường dễ tổn thương và bạo lực có liên quan với tình trạng mỏng vỏ thùy giữa trán, vùng não phụ trách xử lý thông tin xã hội và tình cảm. Trái lại, việc trải qua thời thơ ấu trong nghèo khó và thiếu thốn có liên hệ với tình trạng mỏng vỏ não trước, vốn kiểm soát cảm quan và nhận thức.

Lý giải về những điều ghi nhận được, nhóm chuyên gia cho rằng tình trạng lão hóa sớm do môi trường sống bạo lực có thể chỉ đơn giản là một cách tiến hóa để khởi động khả năng hồi phục và sinh tồn. Theo đó, nếu bộ não phát triển nhanh hơn trong giai đoạn bạo lực, trẻ có thể xử lý và phản ứng tốt hơn trước mối nguy đến từ xung quanh. “Theo thời gian, những quá trình này sẽ tổn hại sức khỏe chúng ta. Về tinh thần, nó có thể gây cảm giác lo âu và trầm cảm về sau. Về thể chất, nó có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và bệnh tim” - trưởng nhóm McLaughlin nói thêm. 

Theo chuyên gia McLaughlin, phát hiện mới cũng cho thấy không bao giờ là quá muộn để đảo ngược những thay đổi do môi trường sống bất lợi gây ra. Bởi vì ở giai đoạn đầu đời, não trẻ rất linh hoạt, cho phép chúng ta đưa ra các biện pháp can thiệp và ngăn ngừa tổn hại về lâu dài.

Mặt khác, bà McLaughlin cho rằng nỗ lực mang đến môi trường gia đình ổn định hơn cho trẻ phát triển cũng giúp làm giảm đáng kể áp lực lên hệ thống y tế công cộng trong tương lai, khi các đối tượng bị lão hóa sớm gánh chịu nhiều căn bệnh nguy hiểm.

AN NHIÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết