9 tháng năm 2020, Công ty Điện lực TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành hữu quan thành phố triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp thực hành tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động này giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh, giúp ngành điện cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân thành phố.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Trà Nóc 2.
Công ty Điện lực TP Cần Thơ đã phối hợp cùng Sở Công Thương TP Cần Thơ và các đơn vị có liên quan triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng điện với sản lượng lớn; phối hợp với Công ty CP Đầu tư năng lượng mặt trời Bách khoa cung cấp hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời cho các nhà máy chế biến thủy hải sản trong Khu công nghiệp Trà Nóc… Cùng với đó, Công ty Điện lực TP Cần Thơ còn tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền tiết kiệm điện theo chiều sâu, góp phần tạo hướng sản xuất bền vững cho khách hàng sản xuất công nghiệp, sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Đến nay, TP Cần Thơ đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả các biện pháp tiết giảm tiêu thụ điện trong sản xuất, giảm phát thải nhà kính, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững. Ông Võ Khánh Nhất, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tâm Phương Nam tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, cho biết: Ước tính, mỗi tháng doanh nghiệp tiêu thụ trên 270.000kWh điện, tương đương hơn 800 triệu đồng. Do đó, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất là rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp từng bước sử dụng đèn led cho hệ thống chiếu sáng, sử dụng máy điều hòa inverter; đồng thời, lắp đặt thiết bị biến tần điều khiển cho các động cơ máy móc, thiết bị,… Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư 7 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với diện tích 1.800m2, có công suất 480kWp. Với nhiều giải pháp được triển khai trong quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty CP Thủy sản Tâm Phương Nam không chỉ giảm được chi phí tiền điện mỗi tháng, mà còn đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Khách sạn Victoria Cần Thơ đã tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý điện năng vào hoạt động của đơn vị. Ông Phạm Hoàng Vũ, Trưởng bộ phận quản lý điện của Khách sạn Victoria Cần Thơ, cho biết: Để tiết giảm lượng điện tiêu thụ cho khách sạn, bộ phận quản lý điện thường xuyên thực hiện công tác bảo dưỡng thiết bị điện; sử dụng các vật liệu gần gũi thiên nhiên để vừa làm mát cho không gian sống, vừa tạo điểm nhấn cho khách sạn. Cùng với đó, bộ phận quản lý điện còn năng động, tận dụng nguồn nhiệt của máy sấy quần áo để đun nước nóng và chuyển qua cho hệ thống máy giặt, phục vụ cho kho giặt ủi của khách sạn… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện, mỗi tháng Khách sạn Victoria Cần Thơ đã tiết giảm trên 30% điện năng tiêu thụ.
Việc áp dụng đa dạng các biện pháp kỹ thuật, quản lý trong sử dụng năng lượng đã tạo ra lợi ích kép cho doanh nghiệp, giảm được chi phí tiền điện, tăng sức cạnh tranh thị trường. Song, để hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng xanh, sạch và bền vững, ngành điện sẽ tiếp tục triển khai các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện đến các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm; quan tâm đến định hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch; tiếp tục quảng bá, giới thiệu mô hình hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, trong đó sẽ tập trung áp dụng cho lĩnh vực chiếu sáng và nước nóng năng lượng mặt trời, điện mặt trời mái nhà… đến khách hàng.
Theo ông Huỳnh Hữu Kỳ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP Cần Thơ, để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, Công ty sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội Zalo, Facebook và tại các buổi tập huấn của ngành điện. Cùng với đó, Công ty Điện lực TP Cần Thơ làm cầu nối, hỗ trợ khách hàng tiếp cận các nhà đầu tư theo mô hình ESCO. Theo mô hình ESCO, nhà đầu tư sẽ đầu tư 100% vốn để lắp đặt điện mặt trời mái nhà và bán điện lại cho khách hàng với mức giá thấp hơn từ 5-10% so giá điện hiện hành; thuê mặt bằng mái nhà xưởng của khách hàng để lắp mô hình này và bán lại 100% sản lượng điện do hệ thống tạo ra cho ngành điện… Với các chương trình hỗ trợ thiết thực từ nhà đầu tư, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực vốn đầu tư, lắp đặt sử dụng điện mặt trời mái nhà, góp phần giúp ngành điện nâng cao chất lượng cung ứng điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài, ảnh: M.HOA