27/07/2011 - 21:03

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Nông dân ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai chăm sóc ruộng dưa hấu.
Ảnh: M. HOA

Những năm gần đây, chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi được Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ cùng các cấp Hội Nông dân phát động được triển khai tại hầu hết các huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Chương trình này bước đầu mang lại nhiều hiệu quả khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nhiều nông hộ.

Vừa qua, Hội Nông dân và ngành nông nghiệp huyện Thới Lai phát động và khuyến khích nhiều hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia và nhiệt tình hưởng ứng. Ông Phạm Ngọc Lân, Ủy viên Thường trực Hội Nông dân huyện Thới Lai, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy về phát triển kinh tế hộ gia đình, các cấp Hội Nông dân và ngành nông nghiệp tại các xã, thị trấn... đã vận động bà con nông dân thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: 2 lúa 1 màu; cải tạo vườn tạp; chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế và diện tích đất sẵn có của từng hộ; khuyến khích nông dân trồng xen canh cây công nghiệp ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao như: mè, bắp lai, đậu nành... Các mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể. Theo ông Phạm Ngọc Lân, hiện nay, có trên 80% nông hộ của Thới Lai tham gia chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của Thới Lai đạt trên 80%; nhiều mô hình 2 lúa 1 màu lãi trên 40 triệu đồng/ha/năm, mô hình sản xuất cá tra giống lãi từ 200-300 triệu đồng/ha.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: Trước đây, 5 công đất ruộng của gia đình chuyên trồng lúa. Do giá lúa khá bấp bênh và nhiều biến động khiến sản xuất không đạt hiệu quả cao nên khoảng 3 năm nay chị quyết định chuyển sang trồng dưa hấu. Trong 2 năm qua, giá dưa hấu từ 3.500-5.000 đồng/kg, với diện tích đất hiện có, sau khi trừ chi phí, trồng dưa hấu đem về lợi nhuận cho gia đình chị khoảng 90 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Bên cạnh mô hình trồng màu, nhiều mô hình chăn nuôi cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân tích cực hưởng ứng. Điển hình như: mô hình nuôi heo công nghiệp của ông Phan Hoàng Giao, xã Thới Tân, huyện Thới Lai cho thu nhập 700 triệu đồng/năm; mô hình nuôi cá lóc trong vèo của ông Nguyễn Văn Sĩ, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai cho thu nhập 220 triệu đồng/năm...

Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình, các cấp Hội Nông dân và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, hội thảo kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, thực hiện điểm trình diễn, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho nhiều hộ nông dân ở các huyện như: Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền... Đồng thời, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân, góp phần đẩy mạnh phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố. Ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: Đầu năm 2010, xã Trường Long chuyển giao trên 10.000 cây ca cao giống do ngành nông nghiệp hỗ trợ cho nhiều hộ nông dân thực hiện trồng xen vào vườn cây ăn trái (chôm chôm, nhãn...). Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, hội thảo, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ca cao từ những vùng khác như: Bến Tre, Tiền Giang,... Nhờ vậy, mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn cây ăn trái của nhiều nông hộ ở huyện Phong Điền đang phát triển khá tốt. Ông Nguyễn Văn Luông, ấp Trường Thuận A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: “Gia đình tôi nhận từ 600-700 cây ca cao về trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác trong vườn (gần 7 công). Hiện nay, một số cây ca cao trong vườn đã cho thu hoạch từ 15- 17 kg/cây, giá bán trên 5.000 đồng/kg. Ước tính từ kết quả này, diện tích trồng cây ca cao hiện có bước vào thu hoạch rộ, tôi có thể thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/năm”. Theo ông Nguyễn Văn Luông, ca cao là loại cây công nghiệp có tuổi thọ cao; đặc biệt, vụ sau sẽ cho trái sai và nhiều hơn so với vụ trước. Do đó, tiềm năng kinh tế từ cây ca cao là rất lớn.

Mặc dù đạt được những hiệu quả đáng kể, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở nhiều địa phương vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long, huyện Phong Điền, công tác tuyên truyền các kế hoạch chưa được thường xuyên và sâu rộng, đầu ra nông sản chưa ổn định do giá cả thường xuyên biến động nên việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi còn chậm... Ngoài việc có giải pháp khắc phục những hạn chế trên, các ngành hữu quan cần nhân rộng kịp thời mô hình hiệu quả, đẩy mạnh việc hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ kỹ thuật... nhằm thúc đẩy phong trào chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng trên địa bàn thành phố.

M.Hoa- T.Nhung

Nông dân ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai chăm sóc ruộng dưa hấu. Ảnh: M. HOA

Chia sẻ bài viết