08/12/2023 - 09:33

Hiệu quả giải pháp phòng ngừa, ứng phó ngập lụt đô thị 

Theo chuyên gia, trước tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH), ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước thách thức như ngập lụt đô thị do triều cường, sạt lở bờ sông… ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, nếu có giải pháp đúng, quản lý và ứng phó kịp thời tình trạng trên sẽ góp phần làm giảm tác hại do BÐKH gây ra.  

Ðường giao thông khu vực Hồ Búng Xáng (quận Ninh Kiều) bị ngập sâu do triều cường, nhưng khi Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được vận hành thử nghiệm, tình trạng ngập lụt được ngăn chặn.

Ngập lụt đô thị diện rỘng

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2023, trên địa bàn TP Cần Thơ ghi nhận có đến 14 năm mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vượt mức 2m (vượt báo động III - 2m), có 6 năm ghi nhận mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu bằng hoặc dưới mức 2m. Trong đó có 1 đợt triều cường với mức đỉnh triều cao lịch sử, đạt mức 2,27m ( vào đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch năm 2022). Tại các thời điểm triều cường đạt đỉnh đã gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố, đặc biệt là hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, giáo dục đào tạo, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị… Ngoài ra, do ảnh hưởng của các đợt triều cường, trên địa bàn thành phố đã xảy ra sạt lở, sụp lún một số đoạn đê bao, bờ sông, kênh, rạch.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ có địa hình bằng phẳng hơi nghiêng theo các chiều: cao từ Ðông Bắc thấp dần xuống Tây Nam và cao từ bờ sông Hậu thấp dần vào nội đồng. Thành phố có cao độ mặt đất phổ biến từ 0,5m đến 1m so với mực nước biển. Ðối chiếu giữa tỷ lệ diện tích theo cao độ của thành phố và thực trạng cao độ mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu cho thấy tình hình ngập trên địa bàn thành phố sẽ xảy ra trên diện rộng nếu không có hệ thống đê bao, bờ bao, cống kiểm soát. Ðặc biệt, trên địa bàn TP Cần Thơ hầu hết các trận ngập sâu, trên diện rộng đều trùng với thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh và triều cường lớn nhất trong các tháng 9, 10, 11 hằng năm, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại, kinh doanh, sản xuất của người dân...”.

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, triều biển Ðông là một trong những nguyên nhân chính gây ra ngập lụt tại TP Cần Thơ, đặc biệt là khu vực nội ô các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Một chu kỳ triều trung bình 15 ngày trong đó có 1 kỳ triều cường và 1 kỳ triều kém. Thời kỳ triều cường xảy ra vào các ngày 1 và 15 tháng âm lịch (hoặc trước hay sau vài ngày); trong một tháng xuất hiện 2 lần ngập lụt tại TP Cần Thơ (mỗi lần kéo dài từ 5 đến 7 ngày, từ thời điểm nước lên đến khi đạt đỉnh và rút theo triều trung bình từ 3 đến 5 giờ). Nguyên nhân xảy ra ngập lụt tại TP Cần Thơ có nhiều yếu tố, như vị trí địa lý, điều kiện địa hình, do tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, do mưa với cường suất lớn, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, quá trình đô thị hóa, do sụt lún đất…

Phòng ngừa, ứng phó...

Ðể chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của lũ kết hợp với triều cường, đảm bảo an toàn về người, tài sản và đời sống sinh hoạt của nhân dân, TP Cần Thơ triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp ứng phó. Nhất là tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao lộ do triều cường dâng cao gây ngập trên địa bàn thành phố. Ngành chức năng thành phố tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố để kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân biết, nhằm chủ động phòng chống, ứng phó; chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông cho phù hợp; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các tuyến đê bao, bờ bao ở các quận huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu…

Ðể chống ngập cho vùng nội ô, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, một phần quận Bình Thủy. Trong đó, hợp phần 1 của dự án đầu tư trên 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, trên 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp với các hạng mục công trình khác của dự án như các Âu thuyền Cái Khế, Hàng Bàng, các cống ngăn triều Ðầu Sấu, Rạch Sao, Rạch Ranh, Rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng; các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ. Trong đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua, dự án đã vận hành thử nghiệm và đã phát huy hiệu quả chống ngập vùng nội ô thành phố. Thành phố cũng thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, với tổng số 32 tuyến đường và các trạm bơm chống ngập…

Gần đây, tại buổi làm việc về tiến độ thực hiện các dự án chống ngập úng, sạt lở trên địa bàn TP Cần Thơ, các đơn vị chức năng  mong muốn thành phố sớm có kế hoạch xây dựng, triển khai và mở rộng các công trình, dự án chống ngập đô thị tại các quận trung tâm; thực hiện hệ thống kè chống sạt lở khép kín trên sông Trà Nóc; di dời các hộ dân sống dọc theo bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn, ổn định…

Ðồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thống nhất cao các đề nghị trên và chỉ đạo: “Các sở, ngành chức năng khẩn trương thực hiện thủ tục để sử dụng vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh, thành vùng ÐBSCL thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó TP Cần Thơ được giao bổ sung 250 tỉ đồng để thực công trình chống sạt lở, hạn chế ngập lụt đô thị; phải giải quyết cơ bản tình trạng ngập ở nội thị quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy. Ðối với tuyến đường còn bị ngập (đường Cách mạng Tháng 8) ứng dụng các công trình kỹ thuật, xây dựng kè, van ngăn triều, cống thoát ngập úng, bảo vệ hoàn toàn vùng lõi Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy không ngập do triều; xây dựng chi tiết đề án mở rộng diện tích phòng chống ngập úng do triều tại các quận trung tâm, dự án kè khép kín sông Trà Nóc phòng, chống sạt lở để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện; sớm xây dựng hoàn thiện chi tiết đề án di dời dân cư vùng ven sông, rạch có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn, ổn định…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết