DUY KHÔI
Cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại thủ đô Paris (Pháp). Ðây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam mà còn là mốc son lịch sử trong quan hệ quốc tế. Hiệp định Paris được xem là “Cánh cửa đến hòa bình” của nước ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (bìa trái) và các đại biểu xem trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hòa bình”. Ảnh: DUY KHÔI
Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đang thực hiện trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hòa bình”. Diễn ra đến ngày 10-4-2023, trưng bày giới thiệu đến công chúng về thời kỳ đấu tranh gian khổ, lâu dài và toàn diện của nhân dân Việt Nam, trong quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Paris nhằm tìm đến một nền hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước.
Chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hòa bình” gồm 3 mảng nội dung lớn, với những hình ảnh, tư liệu, hiện vật giá trị, mang tính lịch sử do 2 bảo tàng sưu tầm, lưu giữ. Nội dung 1 là tiến trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam. Ðó là những hình ảnh quân đội Mỹ tấn công và nhiều địa phương của Việt Nam như bãi biển Nam Ô (Ðà Nẵng), Tây Ninh, Bình Ðịnh, Bến Súc (Bình Dương)... trong những năm 1965-1967. Ðặc biệt, trưng bày còn giới thiệu nhiều hình ảnh nhân sĩ, sinh viên Mỹ biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Bên cạnh đó là hình ảnh, tư liệu về các cuộc đối thoại, trao đổi trước khi ký kết Hiệp định Paris, cho thấy nỗ lực, thiện chí và khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Nội dung thứ hai của chuyên đề là phản ánh việc thực thi Hiệp định Paris và vấn đề trao trả tù binh. Tiêu biểu là hình ảnh đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Ban Liên hợp Quân sự bốn bên; đại diện Việt Nam và đại diện Hoa Kỳ trao đổi về thủ tục trao trả, tháng 2-1973; quang cảnh chung buổi trao trả vào ngày 12-2-1973; tù binh bị bệnh được các bác sĩ Quân y Việt Nam chăm sóc chu đáo khi trao trả; hình ảnh đón đồng bào và chiến sĩ do Chính phủ Sài Gòn trao trả trong các ngày 14, 15 và 18-2-1973 trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị)...
Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hòa bình” thu hút nhiều đoàn khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: DUY KHÔI
Ở mảng nội dung thứ 3, chuyên đề thể hiện việc đấu tranh chống phá hoại Hiệp định Paris đến ngày hòa bình thống nhất đất nước năm 1975. Hơn 2 năm sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, trải qua nhiều gian nan, nhưng với sự lãnh đạo của Ðảng, sự mưu trí, sáng tạo và tinh thần yêu nước của dân tộc, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất trong niềm vui chung của dân tộc ngày 30-4-1975 lịch sử.
*
* *
Có thể thấy, ngay từ cuối những năm 1940, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam và Ðông Dương bằng cách chi viện ngày càng nhiều cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất (1945-1954). Mỹ đã phá hoại Hiệp định Genève 1954 về Ðông Dương, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam; lần lượt tiến hành nhiều chiến lược như chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộ... Mỹ ngày càng sa lầy, tổn thất về người và của ngày càng lớn trong cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Trong khi đó, phong trào chống chiến tranh ở Mỹ phát triển ngày càng sâu rộng, nội bộ chính quyền Mỹ ngày càng mâu thuẫn.
Với Việt Nam, đi đôi với đấu tranh quyết liệt và thắng lợi to lớn, liên tiếp trên các mặt trận quân sự, Ðảng và Nhà nước ta ngày càng chú trọng nâng cao vị thế và vai trò của đấu tranh ngoại giao. Nhiều lập trường, tuyên bố, nghị quyết của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng... ngày càng nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đấu tranh ngoại giao trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đồng thời chủ trương mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên phải mất 30 ngày, hai bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của ta. Tình hình thế giới trước ngày diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa ta và Mỹ hết sức phức tạp. Ðảng và Nhà nước ta phải phát huy tinh thần độc lập và tự chủ, phối hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao; đồng thời tranh thủ đến mức cao nhất sự ủng hộ của quốc tế.
Sau gần 5 năm đàm phán (từ 13-5-1968 đến 27-1-1973), với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 cuộc họp báo và gần 1.000 cuộc phỏng vấn cùng nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam mới chính thức được ký kết vào ngày 27-1-1973.
Ngày 27-1-1973, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Nguyễn Thị Bình (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam), W. Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Văn Lắm (Chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; và 4 Nghị định thư liên quan. Ngày 28-1, thực thi ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam, Hiệp định Paris chính thức được thi hành.
Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh: TL
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có 9 chương 23 điều, gồm 4 loại điều khoản chính. Ðầu tiên là các điều khoản chính trị ghi các cam kết của Hoa Kỳ phải tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Thứ hai là các điều khoản về quân sự: ngừng bắn, Hoa Kỳ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận tháo gỡ mìn do Hoa Kỳ đã rải ở miền Bắc. Thứ ba là các điều khoản về nội bộ miền Nam: nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần để tổ chức tổng tuyển cử. Cuối cùng là các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Có thể nói, Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Hiệp định là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta; là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Ðảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Ðại thắng mùa xuân 1975. Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ðối với thế giới, với việc ký kết Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Ðông Nam Á. Hiệp định Paris củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.l
--------------
Bài viết có tham khảo:
- Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2023) do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao biên soạn;
- Tư liệu trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hòa bình”, do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thực hiện.