27/10/2022 - 08:57

Hiên ngang Trường Sa 

Trong thời bình, cuộc đời đẹp nhất của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là vững chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc

Trong chuyến thăm, động viên quân - dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2022, chúng tôi được cảm nhận vẻ đẹp của biển đảo quê hương; về tinh thần, ý chí vượt khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Quân - dân chung sức, đồng lòng

Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) chiều 10-5 trở nên nhộn nhịp. Hàng chục chuyến xe chở nhu yếu phẩm, quà tặng của các cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân từ mọi miền Tổ quốc tập kết tại cầu cảng để chuyển hàng lên tàu. Máy tính bàn, máy in, dụng cụ thể dục - thể thao, quạt hơi nước, tivi... được gói ghém kỹ lưỡng, lần lượt chuyển lên tàu, sắp xếp cẩn thận để chuyển đến bộ đội, nhân dân ở đảo xa.

Sau hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, đoàn chúng tôi đến với điểm đảo đầu tiên là Đá Thị. Ngay từ trên boong tàu, cán bộ, chiến sĩ trong quân phục chỉnh tề đứng đợi sẵn, vẫy tay chào. Gặp chúng tôi, các anh tay bắt mặt mừng như gặp người thân lâu ngày đi xa mới trở về. Đại úy Nguyễn Huy Liệu, cán bộ quân y đảo Đá Thị, bày tỏ: "Lâu lắm rồi mới có đoàn ra thăm đảo. Đây là sự cổ vũ, động viên rất lớn đối với chúng tôi".

Xúc động trước những lời thăm hỏi ân cần cùng những món quà của đoàn công tác, trung úy Nguyễn Xuân Phong, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị, cho hay cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn sẵn sàng tinh thần huấn luyện chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang: "Đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Đảo Trường Sa Lớn là điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác, từ 13 giờ 30 phút đến 21 giờ. Nhờ vậy, chúng tôi có nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện với người dân, thăm trường học, được hòa mình trong buổi tối giao lưu văn nghệ thắm tình quân - dân, đất liền và biển đảo.

Trong ngôi nhà kiên cố, rộng rãi ở đảo Trường Sa Lớn, niềm vui thể hiện rõ trên ánh mắt, cử chỉ của vợ chồng anh Ngân Văn Vĩnh - chị Thiều Thị Xoan. Rót trà mời khách, Vĩnh vui vẻ cho biết vợ chồng anh quê ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tình nguyện ra Trường Sa sinh sống từ năm 2018. "Từ lúc ra đây, chúng tôi càng thấy yêu và gắn bó với cuộc sống ở đảo nhiều hơn. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ người dân" - anh bộc bạch.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân duyệt binh trên đảo Trường Sa Lớn

Chiến sĩ ở Trường Sa canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo

Anh Vĩnh tham gia lực lượng dân quân của thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa được 2 năm nay, còn chị Xoan ở nhà làm nội trợ. Anh chị có 2 người con, trong đó cháu lớn học hết tiểu học ở đảo đã được chính quyền và bộ đội hỗ trợ đưa về đất liền học THCS. Chị Xoan thổ lộ: "Các hộ dân trên đảo không phân biệt quê quán, luôn đùm bọc, yêu thương nhau. Chị em ai cũng chịu thương, chịu khó, động viên nhau làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ để chồng yên tâm tham gia dân quân hay đánh bắt thủy sản, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng nhau bảo vệ biển đảo quê hương".

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, để không xảy ra bị động, bất ngờ, cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở 33 điểm đóng quân tại Trường Sa luôn tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ; kịp thời quan sát, không để sót lọt mục tiêu trong khu vực đảm nhiệm. Hình ảnh các chiến sĩ tay bồng súng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền biểu trưng ý chí, sự kiên định, oai hùng của Hải quân Việt Nam.

Trong tổng số 21 đảo với 33 điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa, 3 đảo có người dân sinh sống theo 3 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Trường Sa là thị trấn Trường Sa (Trường Sa Lớn), xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Những đôi vợ chồng tình nguyện ra đảo ở độ tuổi 30-45, có 1 hoặc 2 con, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng những tổ ấm ấy có một điểm chung là luôn tràn ngập tiếng cười, niềm vui và tinh thần lạc quan, yêu đời.

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, người dân đảo Trường Sa Lớn, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống vật chất và tinh thần ở đây thay đổi nhiều. Cảnh quan môi trường, điều kiện sinh hoạt cũng ngày càng tốt hơn.

Với anh Lê Xuân Việt, sinh sống ở đảo Trường Sa Lớn từ năm 2018, mỗi khi nghĩ đến chuyện vào đất liền, anh lại thấy lưu luyến vì nơi đây đã như ngôi nhà thứ hai của gia đình. "Tôi muốn ở lại lâu dài để cùng người dân Trường Sa chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, đương đầu với sóng gió, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp".

Đại biểu từ đất liền thăm hỏi người dân sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn

Vững vàng canh trời, giữ biển

Tháng 5, giữa biển trời Trường Sa nắng như đổ lửa, hơi biển mặn làm cho áo các chiến sĩ thêm đẫm mồ hôi. Song, ở thao trường, những người lính trẻ vẫn hăng say "lăn lê bò trườn" dưới hầm hào công sự hay huấn luyện điều lệnh đội ngũ tay không trên đường băng. Bên cột mốc chủ quyền, một nhóm chiến sĩ căng mắt với bài tập bắn mục tiêu tàu đổ bộ...

Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cho biết huấn luyện bảo vệ biển đảo là chương trình chuyên biệt, đặc thù. Do đó, ngoài việc xây dựng kế hoạch duy trì lực lượng và phương tiện luyện tập thì các phương án tác chiến luôn sẵn sàng. Đơn vị cũng tăng cường quán triệt cho bộ đội nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng. Các quân nhân tích cực tham gia những hoạt động thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe; 100% cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe tốt, bảo đảm quân số tham gia học tập, công tác.

Theo đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân, nếu như trong chiến tranh, niềm vinh dự, tự hào của người lính là trên trận tuyến đánh quân thù thì trong thời bình, cuộc đời đẹp nhất của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là vững chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.

"Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của thế hệ cha anh đi trước, Lữ đoàn 146 thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, tầm quan trọng của nơi đóng quân; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; huấn luyện cho bộ đội thành thạo các loại vũ khí, trang bị; tăng cường quan sát, phát hiện mục tiêu, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ" - đại tá Hải khẳng định.

Sau giờ huấn luyện, trực canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo, dưới tán cây bàng vuông, từng tốp chiến sĩ và các thành viên đoàn công tác chúng tôi trò chuyện vui vẻ, nói cười râm ran. Những lời ca, tiếng hát ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi vẻ đẹp biển đảo, tình yêu đôi lứa… vang lên rộn ràng, hòa vào tiếng sóng biển mênh mang...

Khoảnh khắc tạm biệt Trường Sa để về với đất liền, chúng tôi ai cũng rưng rưng xúc động. Tay nắm chặt tay, chúng tôi chúc các anh chân cứng đá mềm, mong trời yên biển lặng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam. 

Bài và ảnh: Đoàn Minh Nhân (Báo Người Lao động)

Chia sẻ bài viết