01/05/2023 - 18:05

Hiểm họa khủng bố từ IS ở Afghanistan 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chưa đầy 2 năm kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, những phần tử khủng bố thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang sử dụng quốc gia Tây Nam Á để lên kế hoạch tấn công trên khắp châu Âu và châu Á. Nhánh khét tiếng của IS tại Afghanistan là ISIS-K cũng vạch ra âm mưu đầy tham vọng hòng tấn công nước Mỹ, theo tài liệu tình báo mật rò rỉ gần đây của Lầu Năm Góc.

Lực lượng Taliban thực hiện vụ bố ráp các phần tử IS tại Afghanistan. Ảnh: AP

Theo tài liệu rò rỉ, tình báo Mỹ biết ISIS-K có âm mưu nhắm vào các đại sứ quán, nhà thờ, trung tâm thương mại và World Cup 2022, sự kiện bóng đá thu hút hơn 2 triệu người theo dõi ở Qatar cuối năm ngoái.

Tài liệu cho thấy các phần tử IS ở nhiều vùng khác trên thế giới đang muốn sở hữu năng lực chế tạo những vũ khí hóa học và điều khiển máy bay chiến đấu không người lái. IS còn có “một âm mưu mà ở đó những thành phần ủng hộ chúng sẽ bắt cóc các nhà ngoại giao Iraq ở Bỉ hoặc Pháp để yêu cầu thả 4.000 tay súng đang bị giam cầm”. IS từng xem xét gửi một kẻ đánh bom liều chết đến Qatar để tấn công giải đấu World Cup. Các tay súng cũng cân nhắc nhiều âm mưu trả đũa vụ đốt kinh Qoran của những nhà hoạt động cực hữu tại Thụy Ðiển và Hà Lan. Những kế hoạch này bao gồm lời kêu gọi tấn công các cơ sở ngoại giao của Thụy Ðiển và Hà Lan tại Azerbaijan, Tajikistan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và những nước khác.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã liên tục đánh chặn thành công các cuộc trao đổi thông tin giữa những phần tử IS. Ðiều này góp phần đập tan âm mưu bắt cóc và tấn công bằng vũ khí nhỏ của IS nhằm vào các tòa nhà chính phủ ở châu Âu.

“Xuất khẩu” các cuộc tấn công

Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động quân sự của quân đội Mỹ ở khu vực Trung Ðông - khi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới đây đã thừa nhận sự hiện diện của IS tại Afghanistan hiện nay mạnh hơn so với cách đây một năm và Lầu Năm Góc phỏng đoán ISIS-K sẵn sàng thực hiện chiến dịch bên ngoài chống lại những lợi ích của Mỹ hoặc phương Tây ở nước ngoài trong vòng 6 tháng. Theo đánh giá của ông, mục tiêu cuối cùng của ISIS-K là tấn công nước Mỹ, bất chấp đây là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh xứ cờ hoa siết chặt các biện pháp an ninh và ISIS-K bị hạn chế về năng lực hoạt động.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2 ước tính ISIS-K có 1.000-3.000 chiến binh và “duy trì tham vọng thực hiện các chiến dịch bên ngoài”.

Có lý do để lo ngại hiểm họa trên. ISIS-K đang theo đuổi tinh thần thánh chiến toàn cầu và là nhánh IS mang tư tưởng quốc tế sâu sắc nhất, cả trong thông điệp và chiến lược hoạt động. Kể từ khi phong trào Taliban trở lại tiếp quản Afghanistan, ISIS-K tập trung vào công cụ tuyên truyền, gia tăng các sản phẩm truyền thông và mở rộng sang các hình thức audio, video và nội dung in ấn chỉ trích và đe dọa nhiều quốc gia. ISIS-K hiện hoạt động tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ nhánh nào khác kể từ giai đoạn cực thịnh của IS vào năm 2015.

Tuy đã rút quân khỏi Afghanistan nhưng Mỹ vẫn bị coi là kẻ thù hàng đầu và thường xuyên trở thành mục tiêu. ISIS-K vẫn luôn tự hào vụ đánh bom tự sát tại sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan vào tháng 8-2021 (làm chết 170 dân thường Afghanistan và 13 lính Mỹ) là một trong những “chiến công” vĩ đại nhất của tổ chức, đồng thời cảnh báo sẽ còn nhiều điều xảy đến.

Vươn vòi khắp thế giới

Sau khi một chính trị gia đốt kinh Qoran ở Thụy Ðiển và sau đó là Ðan Mạch hồi đầu năm, ISIS-K đã kêu gọi hành động trả đũa các quốc gia châu Âu. Vào đầu tháng 4-2023, Thụy Ðiển đã bắt giữ 5 nghi phạm âm mưu tấn công khủng bố nhằm trả đũa vụ đốt kinh Qoran.

Colin Clarke, Giám đốc nghiên cứu tại The Soufan Group, công ty tư vấn tình báo và an ninh toàn cầu của Mỹ, rất quan ngại về khả năng ISIS-K thực hiện cuộc tấn công tại châu Âu hoặc nơi khác trong năm 2024 bởi nhóm này “có các xúc tu khắp thế giới”. ISIS-K từng nã tên lửa vào các nước láng giềng Uzbekistan và Tajikistan, tấn công các đại sứ quán Nga và Pakistan ở Afghanistan, tấn công khách sạn tại Kabul với ý đồ sát hại công dân Trung Quốc.

Theo tờ Nikkei Asia, một chiến dịch chống lại những lợi ích của Mỹ ở Afghanistan hoặc nơi khác, đặc biệt là bên trong nước Mỹ, sẽ là lực đẩy rất lớn cho vị thế của ISIS-K và giáng đòn đau vào Taliban, lực lượng cam kết ngăn chặn những vụ tấn công như thế. Phía Taliban cũng đã tăng cường chiến dịch chống khủng bố trên khắp đất nước và nhiều cơ quan tình báo đang theo dõi hoạt động của ISIS-K. Tuy nhiên, Afghanistan cũng từng là nơi các phần tử khủng bố lên kế hoạch các vụ tấn công, bao gồm vụ 11-9.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiêu diệt trùm khủng bố IS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 30-4 tuyên bố lực lượng tình báo nước này đã tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Hussein al-Qurashi tại Syria.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh và truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT, Tổng thống Erdogan xác nhận: “Hôm qua (29-4), đối tượng này (Abu Hussein al-Qurashi) đã bị vô hiệu hóa trong một phần của chiến dịch do tổ chức tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở Syria”. Theo ông Erdogan, tổ chức tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần theo dấu vết của tay trùm khủng bố này suốt một khoảng thời gian dài.

Ngày 10-3 năm ngoái, IS xác nhận thủ lĩnh của nhóm này là Abu Ibrahim Al-Hashemi Al-Qurashi đã chết và thủ lĩnh mới là Abu Hussein al-Qurashi.

Hồi tháng 2-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định thủ lĩnh của IS đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Tây Bắc Syria. Theo Nhà Trắng, Abu Ibrahim Al-Hashemi Al-Qurashi đã tự kích nổ bom để tự sát nhằm tránh bị đặc nhiệm Mỹ bắt giữ.

TRUNG KIÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết