30/07/2013 - 22:09

Hết lòng vì quê hương

Đồng chí Phan Thành Trung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Thạnh An, không giấu vẻ tự hào: "Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Thạnh An đã 5 năm liền giữ vững danh hiệu đơn vị trong sạch vững mạnh xuất sắc…".

1. Theo lời đồng chí, được như vậy là do đồng chí Trần Phi Hổ, Chủ tịch Hội, luôn làm tốt công tác quản lý, đảm bảo duy trì chế độ sinh hoạt lệ ban chấp hành, quan tâm giúp đỡ, đồng thời vận động hội viên tích cực, gương mẫu trong phong trào xây dựng quê hương.

 Bàn thờ Bác ở nhà anh Sáu Hổ.

Đồng chí Trần Phi Hổ (Sáu Hổ) là Chủ tịch Hội CCB thị trấn Thạnh An từ tháng 5-2005 đến nay. Nhắc đến đồng đội và công tác Hội, anh Sáu Hổ đầy phấn chấn: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh em CCB luôn chú ý giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi bảo nhau đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Đặc biệt là đóng góp xây dựng nhà đồng đội; góp vốn lập quỹ cho vay xoay vòng không lãi suất nhằm giúp hội viên ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo…".

Trong sáu chi hội trực thuộc - anh Sáu Hổ cho biết thêm - nổi bật có Chi hội ấp Bờ Bao. Chi hội này gồm 23 hội viên (trong 141 hội viên toàn thị trấn), do bà Huỳnh Thị Lệ làm chi hội trưởng. Gia đình bà Lệ có 4 hội viên CCB, nhà khá giả, vẫn quen nếp sống cần kiệm. Chi hội không có hộ nghèo hoặc cận nghèo, đã đóng góp, gây dựng quỹ vay vốn xoay vòng đạt 26 triệu đồng (chiếm hơn 50% tổng vốn hiện có của Hội), cao nhất so các chi hội khác. Năm năm liền Chi hội ấp Bờ Bao luôn "đứng" ở hạng cao; riêng chi hội trưởng luôn được đồng đội quý mến, tin yêu bởi tính xung phong, xốc vác, nhất là trong việc xây dựng giao thông nông thôn.

Nếu hầu hết CCB chi hội ấp Bờ Bao sống nghề làm ruộng, chăn nuôi, thì 33 CCB ấp Phụng Quới A có người là doanh nhân, là nông dân, thợ mộc, thợ hồ… - đã đóng góp vào quỹ này 14 triệu. Quỹ dành cho các hội viên nghèo (4 hộ), cận nghèo (7 hộ) vay vốn xoay vòng trong 6 tháng hoặc 1 năm, để trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Khi chuyển đi nơi khác (hoặc qua đời), hội viên (hoặc thân nhân) sẽ được hoàn lại số tiền đã góp vốn. Chi hội ấp Phụng Quới A cũng không có hộ nghèo hay cận nghèo. Không chỉ góp vốn xoay vòng trong Hội, 100% CCB hiện "đương chức" tại thị trấn hay tại huyện, đều đóng góp 2 ngày lương/năm/người vào quỹ tấm lòng vàng để chăm lo cho người nghèo của địa phương. Tích cực góp phần làm đổi thay diện mạo xóm làng, 100% CCB thị trấn đều tình nguyện hiến đất trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Nổi bật trong phong trào này, ở Chi hội ấp Phụng Quới B là ông Phạm Ngọc Trác (Năm Trác) - người đi đầu hiến 1.500m2 đất cho Nhà nước. "CCB Vũ Văn Võ (ấp Phụng Quới B), Ngô Văn Ninh (ấp Bờ Bao) - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thị trấn, cũng có thành tích không kém…" - anh Sáu Hổ hồ hởi cho biết thêm.

Ông Năm Trác người gốc Ô Môn, hiện đảm nhiệm ba bốn nhiệm vụ ở Hội Người mù, Hội Khuyến học huyện, Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn Tây Đô. Tuy rất bận bịu, song ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác khuyến học huyện nhà. Năm ngoái, ông đã cùng với Hội Khuyến học huyện vận động được 2 tỉ đồng; có 6.000 lượt học sinh nghèo Vĩnh Thạnh đã được trao tặng học bổng, 40.000 quyển tập và 100 chiếc xe đạp. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Hội Khuyến học huyện cũng đã chi hơn 1,3 tỉ đồng cho việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện nhà. Trong đó, Hội dành tặng 100 xe đạp cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học thị trấn Thạnh An nhân dịp khai giảng năm học 2013-2014 sắp tới.

2. Sau khi tham quan tuyến giao thông nông thôn Bắc Cái Sắn (đoạn kinh E tới kinh B, dài 4,4km) đang tiếp tục thi công, chuẩn bị cho đợt kiểm tra, giám sát, tiến tới lễ khánh thành vào dịp Quốc Khánh 2-9 sắp tới - nhằm kỷ niệm 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và 10 năm thành lập huyện Vĩnh Thạnh - tôi ghé thăm gia đình anh Sáu Hổ. Nhà anh ở bên kia kinh Cái Sắn, gần sát bên nhà của ba người con chuyên nghề "đi ghe"; riêng cô gái út có nhà ở kinh E, lãnh phần canh tác trên 2ha đất được Nhà nước cấp cho anh thời bao cấp. Máy xới, máy suốt anh lần lần sắm được lúc gia đình đã qua cơn thắt ngặt, anh giao hết cho con, mỗi năm chỉ "thu hoa lợi" 2 triệu đồng/công, "cho nó có trách nhiệm" - như lời chị Sáu tâm tình mộc mạc.

Anh Sáu Hổ (trái) tại một đoạn của tuyến giao thông nông thôn Bắc Cái Sắn.

Đưa tay về khoảng sân trước nhà trồng nhiều mai, chị Sáu "khoe": Mỗi năm, đứa con dâu ở chung nhà cắt nhánh mai bán cũng được vài ba triệu… Còn ba người con nối nghiệp "thương lái" của anh chị những năm gia cảnh khó khăn anh phải gián đoạn công tác để mưu sinh, thì thường xuyên được ba mẹ "chỉ đạo từ xa", nên việc mua bán luôn gặt hái thành công, không bị động giá lên hay xuống. Trong câu chuyện, tôi thấy rõ sự ám ảnh, đau đáu của vợ chồng anh về việc "quá nghèo nên con cái ăn học không đến nơi đến chốn!". Chị kể, con gái đầu lòng được sinh ra khoảng tuần lễ trước ngày 30-4-1975, trong vùng giải phóng. Lúc bấy giờ, ngày nào cũng không ngơi tiếng súng, khi chuyển dạ, chị cứ phải leo ra trèo vô cái "trảng xê" mệt muốn đứt hơi. Sáu Hổ tiếp lời, sau hòa bình, vì lý do thương tật anh được phục viên năm 1976, và "về xứ" Thạnh An với đứa con gái, một chiếc xuồng cui cùng con heo nái gầy còm. Rồi anh cũng tham gia công tác xã đội một thời gian…

Với 2 lần bị thương, vết thương từ năm 1967 ở cẳng chân phải, trước giải phóng đã mổ 7 lần vẫn không lấy hết được các mảnh xương vụn; mãi đến năm 1981, mổ lần cuối, vết thương mới lành hẳn. Năm 1982, khi sinh con gái út, gia cảnh quá khó khăn, anh cắn răng xin nghỉ công tác, "về giăng lưới bắt cá linh trên ruộng Nhà nước cấp, chỉ đủ tiền mua gạo mỗi ngày…". Ba bốn năm sau, từ 1 vụ lúa mùa/năm năng suất thấp lè tè, được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, anh tiến lên làm 2 vụ/năm, "kiếm ăn được", rồi ky cỏm, mua ghe cũ, đi buôn bán trên sông… Đó là nguyên nhân khiến các con anh lận đận chuyện học hành, đứa cao nhất chỉ tới lớp 9, thấp nhất là lớp 7. Bây giờ, cháu nội anh đã tốt nghiệp THPT, đang học trung cấp nghề cơ khí, thích đi xuất khẩu lao động, anh một mực khuyên và hứa tạo điều kiện giúp cháu có thể học xong đại học.

Ấn tượng về Sáu Hổ - người thương binh với tỷ lệ thương tật 41% - không chỉ là chuyện anh thể hiện lòng mong muốn, quyết tâm cho thế hệ thứ ba của gia đình mình có trình độ học vấn hơn hẳn ông, cha. Rời khỏi nhà anh, tôi nhớ mãi bàn thờ Tổ quốc của gia đình Sáu Hổ. Ảnh Bác đặt phía trên bàn thờ gia tiên, trong ô chữ nhựt âm tường, nền nổi bật màu cờ nước, cờ Đảng; hai bên ảnh Bác là 2 câu đắp chữ nổi: "Độc lập, tự do nhờ ơn Đảng/Áo ấm cơm no nhớ Bác Hồ".

Lại nhớ lời đồng chí Phan Thành Trung, cũng là CCB, nói về phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương mình: thị trấn Thạnh An là nơi rước ảnh Bác đầu tiên của huyện. Đến nay, khoảng 97% hộ dân, trong đó có 100% hộ CCB, treo ảnh Bác; 18 CCB được trao tặng huy hiệu Bác Hồ. Năm 2013 này, học tập phong cách Bác, CCB thị trấn Thạnh An đẩy mạnh thực hiện phương châm "Nói dân hiểu, làm dân tin", cụ thể là gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, gần dân, lắng nghe ý kiến của dân… Song song chủ đề học tập gương Bác hằng năm, bản thân đồng chí Trung luôn tâm đắc và thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác. Cụ thể, anh thường nhắc gia đình bớt một nắm gạo khi nấu cơm; luôn sử dụng lại giấy một mặt, đồng thời thường xuyên nhắc nhở bộ phận văn thư, cán bộ thị trấn quan tâm thực hiện vấn đề này, cũng như việc tiết kiệm điện, nước, mực in, tiếp khách theo qui định, không xa hoa, lãng phí, v.v…

Và nhớ, anh Sáu Hổ nói về kế hoạch của Hội CCB thị trấn Thạnh An từ nay đến cuối năm: Tiếp tục vận động hộ dân treo ảnh Bác; xóa nghèo cho 1 hộ và xóa cận nghèo cho 2 hộ CCB. Đặc biệt, tích cực nhắc nhở anh em thực hành tiết kiệm theo lời dạy Bác Hồ. Bởi các hộ nghèo thường "làm quyết liệt mà tiêu xài cũng quyết liệt…".

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết