16/07/2012 - 20:25

KHOA CẤP CỨU TỔNG HỢP - BỆNH VIỆN ĐA KHOA TP CẦN THƠ

Hết lòng vì bệnh nhân

Bác sĩ Khoa Cấp cứu đang khám
cho bệnh nhân.

Bất kể ngày hay đêm, tập thể Khoa Cấp cứu tổng hợp (Khoa Cấp cứu) Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng làm việc trong tư thế sẵn sàng giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Ở đây, những y, bác sĩ không chỉ có bề dày chuyên môn, kinh nghiệm mà còn là những lương y, luôn cố gắng hết mình bảo toàn mạng sống bệnh nhân...

Mỗi khi có xe cứu thương, xe chở người bệnh, người bị tai nạn ghé trước cửa Khoa Cấp cứu, các y tá vội vã chuyển người bệnh vào phòng để bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh, yêu cầu làm các xét nghiệm cần thiết,  có hướng xử lý phù hợp... Ngày nào cũng vậy, vào tầm cuối ngày đến khoảng 21, 22 giờ đêm, số bệnh nhân cấp cứu đều tăng so với ban ngày khiến các y, bác sĩ luôn tất bật.

Năm 2008, Khoa Hồi sức cấp cứu tách ra thành Khoa Cấp cứu tổng hợp và Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Khoa Cấp cứu tổng hợp tiếp nhận tất cả bệnh cấp cứu từ bên ngoài vào, đồng thời còn đảm nhiệm cả chức năng của Tổ cấp cứu ngoại viện. Bình quân mỗi ngày Khoa tiếp nhận 100 lượt bệnh nhân, hầu hết trong tình trạng bệnh nặng, diễn biến phức tạp, như: chấn thương sọ não, ngộ độc, sốc thuốc... đòi hỏi nhiều bác sĩ chuyên khoa cùng phối hợp cấp cứu kịp thời, nhanh chóng. Ngoài áp lực của bệnh nhân, các y bác sĩ của Khoa còn chịu áp lực phía thân nhân. Trước tình cảnh nguy kịch, người nhà bệnh nhân luôn mong muốn người thầy thuốc tập trung lo cho người thân của mình nên các y, bác sĩ phải luôn giữ thái độ tỉnh táo để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Mỗi ê kíp trực của Khoa Cấp cứu thường có 8 đến 10 người, gồm 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng, 1 hộ lý và sự hỗ trợ của bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp và Khoa Ngoại chấn thương. Biên chế của Khoa chỉ có 39 nhân viên, tuy nhiên, số lượng làm việc thực tế ít hơn, bởi một số nhân viên đang học tập ngắn và dài hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, tần suất làm việc của các bác sĩ trong Khoa rất lớn. Vào những giờ cao điểm, Khoa phải huy động lực lượng để kịp thời cấp cứu bệnh nhân. Cô Lý Hữu, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu, có hơn 30 năm gắn bó với công việc, bộc bạch: “Trong môi trường nhiều áp lực, đối mặt với sự sống và cái chết của bệnh nhân, với trách nhiệm của người thầy thuốc, tôi luôn hết sức cố gắng. Khi người bệnh có dấu hiện hồi phục, tôi cảm thấy rất vui. Đôi khi, bệnh nhân chỉ duy trì sự sống được 1, 2 ngày hay vài giờ thì người nhà cũng được an ủi phần nào”.

Thường những ngày đầu tuần và cuối tuần Khoa tiếp nhận rất đông bệnh nhân. Đặc biệt, vào thời gian cuối ngày đến nửa đêm, bệnh nhân ngày càng đông, trong đó nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch... đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của ê kíp trực. Hàng ngày khoa đều giao ban, rút kinh nghiệm chuyên môn; ngoài ra còn họp bình bệnh án, đưa ra trường hợp bệnh nhân cụ thể, bàn cách xử trí hợp lý, đồng thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Quý I năm 2012, Khoa tiếp nhận trên 8.000 lượt bệnh nhân, trong đó cấp cứu nội khoảng 4.900 lượt, cấp cứu ngoại trên 2.900 lượt... Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Thường, Trưởng Khoa Cấp cứu, chia sẻ: “ Đã mang cái nghiệp nên chúng tôi phải làm việc bằng cái tâm của thầy thuốc; hỗ trợ, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Cấp cứu được cho những trường hợp nguy kịch chỉ mong đổi lấy niềm vui”. Nhiều trường hợp đột xuất, bệnh nhân không có thân nhân hoặc không mang theo tiền, theo quy chế của bệnh viện, bác sĩ vẫn làm đúng quy trình cấp cứu, giúp người bệnh qua khỏi tình trạng nguy kịch, thủ tục hành  chính và viện phí được xem xét sau đó.

Thực hiện cấp cứu giúp bệnh nhân giảm đau đớn, qua cơn nguy hiểm, có thể kịp thời giữ tính mạng cho bệnh nhân. Do đó, nguồn nhân lực cũng như những phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình cấp cứu là những yếu tố quan trọng. Thời gian qua, nhiều cán bộ của Khoa được đưa đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các bác sĩ thế hệ trước luôn có ý thức bồi dưỡng, động viên thế hệ sau về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và giữ gìn y đức. Khó khăn lớn nhất hiện nay của Khoa chính là chưa có đủ bác sĩ chuyên khoa cấp cứu do chưa có ngạch đào tạo, trong khi đặc thù công việc luôn đòi hỏi những bác sĩ có trình độ, tay nghề, kinh nghiệm cũng như khả năng chẩn đoán và xử lý nhanh, chính xác tình trạng của bệnh nhân. Ngoài ra, Khoa Cấp cứu còn đảm nhận trách nhiệm của một trung tâm cấp cứu, trong khi thiếu đội ngũ chuyên nghiệp theo quy chế của trung tâm cấp cứu. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Thường nói: “Sắp tới, khi chuyển về cơ sở mới, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Khoa Cấp cứu sẽ có điều kiện điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thành lập Trung tâm Cấp cứu, đáp ứng yêu cầu cấp cứu ngoại viện một cách thiết thực”.

Ghi nhận những nỗ lực của tập thể Khoa Cấp cứu, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Tập thể y, bác sĩ Khoa Cấp cứu luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chuyên môn vững vàng, sẵn sàng tư thế, nhanh chóng ứng phó với các tình huống cấp cứu. Thời gian qua, bệnh viện đã nâng cấp cơ sở vật chất của Khoa cũng như đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, áp dụng kỹ thuật mới để phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân  ngày càng tốt hơn”.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết