Không quân Mỹ ngày 22-5 đã công bố thêm hình ảnh về máy bay ném bom tàng hình mới nhất B-21 Raider, khi phương tiện có thể xâm nhập các lớp phòng không tiên tiến này đang trong quá trình bay thử nghiệm.
Máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Ảnh: Northrop Grumman
Những hình ảnh mới xuất hiện khi B-21 Raider sắp được đưa vào biên chế cuối thập kỷ này. Andrew Hunter, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, gần đây cho biết chương trình bay thử nghiệm của B-21 đang “tiến triển tốt” và dự kiến giao hàng đúng tiến độ.
B-21 Raider (Kẻ tập kích), còn có biệt danh “sát thủ tàng hình”, là máy bay ném bom chiến lược đầu tiên của quân đội Mỹ trong hơn 30 năm. Các bức ảnh được chụp hồi tháng 1 và 4 cho thấy B-21 Raider đang trong quá trình thử nghiệm, bao gồm vận hành trên đường lăn và bay, tại căn cứ không quân Edwards ở bang California.
Quá trình phát triển bắt đầu từ năm 2015 và Lầu Năm Góc đã trình làng B-21 Raider vào tháng 12-2022. Gần một năm sau, oanh tạc cơ này bắt đầu chuyến bay thử đầu tiên được chờ đợi từ lâu. Sau các cuộc thử nghiệm thành công trên mặt đất và trên không, Raider đã được phép đưa vào sản xuất.
“Xương sống” cho phi đội máy bay ném bom
Không quân Mỹ dự kiến đặt mua khoảng 100 chiếc B-21 Raider, nhằm thay thế máy bay ném bom chiến lược dòng B-1B Lancer và B-2 Spirit (được đưa vào biên chế trong thập niên 1980). Lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh B-21 Raider sẽ tạo thành “xương sống” cho phi đội máy bay ném bom của Mỹ trong tương lai.
B-21 Raider có sải cánh khoảng 40-47m, ngắn hơn so với sải cánh 52m của dòng B2 Spirit đời đầu.
Về đặc tính kỹ thuật, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ca ngợi khả năng tàng hình của B-21 Raider, nói rằng hàng thập kỷ tiến bộ về công nghệ khó phát hiện và lần theo (low-observable) đã góp phần vào quá trình phát triển máy bay ném bom này. “Ngay cả những hệ thống phòng không phức tạp nhất cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện B-21 trên bầu trời”, ông Austin nói tại buổi ra mắt máy bay.
Trong khi đó, tập đoàn Northrop Grumman, nhà sản xuất B-21 Raider, ca ngợi đây là “oanh tạc cơ tàng hình thế hệ thứ 6 đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới”. Nó có thể được trang bị các loại đạn tấn công trực tiếp và đạn dược tầm xa, đồng thời có khả năng tiến hành các cuộc tấn công thông thường lẫn hạt nhân.
B-21 Raider nhiều khả năng được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân, năng lực tự động hóa và mang nhiều vũ khí, trong đó có tên lửa siêu vượt âm với khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Dòng máy bay ném bom này sẽ được sản xuất theo các phiên bản có phi công và tự lái. Đây còn được cho là oanh tạc cơ thông minh về cảm biến, mạng kết nối và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát. Với tầm hoạt động hơn 9.600km và tốc độ bay tối đa 960km/h, B-21 Raider có thể hoạt động như một “trung tâm dữ liệu trên không”, tích hợp thông tin tình báo từ nhiều nguồn, bao gồm tiêm kích F-35, để nhanh chóng tấn công mục tiêu.
Mỗi chiếc B-21 Raider có giá xuất xưởng gần 700 triệu USD, chưa kể chi phí nghiên cứu và sản xuất, trong khi toàn bộ dự án trị giá khoảng 203 tỉ USD.
B-21 Raider là một phần nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm hiện đại hóa cả ba nhánh của tam giác hạt nhân, vốn còn có tên lửa đạn đạo hạt nhân bắn từ hầm chứa, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân khai hỏa từ tàu ngầm. Cả Northrop Grumman và Không quân Mỹ tìm cách bảo vệ chương trình B-21 Raider trước nguy cơ thế lực nước ngoài có thể tìm cách tiếp cận và truy cập vào công nghệ vũ khí, để rồi chế tạo một phiên bản tương tự như từng xảy ra ở những dòng vũ khí khác của Mỹ, đơn cử như F-35.
Theo trang National Interest, Mỹ phát triển máy bay B-21 Raider để răn đe Trung Quốc. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rounds từng nói B-21 Raider đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không bắt nạt các đồng minh của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới bất kỳ hình thức nào.
Mỹ gần đây đã quyết định loại biên chiếc B-2 Spirit thứ hai kể từ năm 2008, giảm phi đội máy bay ném bom tàng hình này xuống còn 19 chiếc. Theo trang Simple Flying, do chi phí quá cao, Không quân Mỹ tuyên bố sẽ không sửa chữa máy bay B-2 Spirit bị hư hỏng trong vụ tai nạn tại căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri hồi cuối năm 2022. Theo ước tính, đây là máy bay đắt nhất từng được chế tạo với mức giá gần 2 tỉ USD/chiếc.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)