 |
Ghulam Habib (giữa) nói chuyện với Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin (phải) bên lề hội nghị ở Dublin. Ảnh: AFP |
Hội nghị quốc tế về bom chùm đang diễn ra tại Dublin (Ireland) với sự tham dự của các đại diện đến từ 109 nước trên thế giới. Hội nghị hướng tới mục tiêu đưa ra một hiệp ước cấm hoàn toàn việc sử dụng, phát triển, sản xuất, mua bán, tàng trữ và trao đổi các loại bom chùm (còn gọi là bom bi), và các nước đang sở hữu sẽ hoàn tất việc hủy loại bom này trong thời gian 6 năm.
Việc kêu gọi cấm các loại vũ khí nguy hiểm như bom chùm được đưa ra từ 30 năm trước, nhưng các nước từ chối tham gia viện dẫn lý do rằng đây là loại vũ khí hiệu quả khi tấn công trên diện rộng. Tuy nhiên, theo Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, đa số nạn nhân của bom chùm là dân thường, với khoảng 1/4 trong số đó là trẻ em. Rất nhiều bom chùm từng được Mỹ thả xuống Việt Nam, Lào và Campuchia trong thập niên 1960, trong đó nhiều quả “bom con” không nổ nằm trong đất có tác dụng như mìn. Tổng cộng có khoảng 440 triệu quả bom chùm được rải trên thế giới và khoảng 130 triệu quả chưa nổ đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người vô tội. Theo Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), từ năm 1965 tới nay có hơn 13.000 người trên thế giới thiệt mạng vì bom chùm, trong đó 97,9% là dân thường. UNDP cho rằng con số thật sự còn cao hơn nhiều, có thể lên tới khoảng 100.000 người, vì rất khó thu thập dữ liệu.
Ít nhất 21 nước từng bị rải bom chùm kể từ khi loại bom này được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và gần đây nhất là trong cuộc xung đột ở miền Nam Liban năm 2006 khi quân đội Israel tấn công lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah. Trong khi đó, 34 nước sản xuất khoảng 210 loại bom chùm khác nhau và khoảng 77 quốc gia sở hữu bom chùm.
Những con số trên có thể khô khan và không ấn tượng bằng hình ảnh cậu bé người Afghanistan Soraj Ghulam Habib, 17 tuổi, có mặt tại Dublin để vận động cấm bom chùm. Habib bị mất 2 chân chỉ vì tính hiếu kỳ của trẻ thơ đối với vật thể lạ khi nhặt phải bom bi do Không lực Mỹ sử dụng trong chiến dịch lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan năm 2001. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật “thập tử nhất sinh” lúc mới 10 tuổi, Habib may mắn sống sót nhưng tuổi thơ của cậu đã hoàn toàn bị hủy hoại.
Cùng hoàn cảnh với Habib, 704.715 nạn nhân của bom chùm còn sống sót trên thế giới đã gởi thỉnh nguyện thư cho Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin trước hội nghị này. Theo ông Martin, một hiệp ước cấm bom chùm sẽ cô lập các nước sản xuất và buộc họ chỉ sử dụng các loại vũ khí hủy diệt trong trường hợp bất khả kháng. Bất cứ sự trì hoãn nào về việc cấm bom chùm sẽ khiến nhân loại còn phải chứng kiến nhiều cái chết vô tội khắp nơi trên thế giới.
N.MINH (Theo AFP, AP, IHT)