12/08/2018 - 10:31

Hát bội và tục thờ tổ hát bội ở Đình Nam bộ 

Trần Kiều Quang

Hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu tồn tại từ rất lâu đời ở Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng. Đến nay, loại hình nghệ thuật sân khấu có tuổi đời hàng trăm năm này vẫn tồn tại; đặc biệt trong các buổi cúng Kỳ yên ở đình làng. Tại Nam bộ còn có tục thờ tổ hát bội với nhiều ý nghĩa truyền thống.

Nguồn gốc hát bội         

Theo các sách sử cùng với những tài liệu của ta hoặc của Trung Quốc, Pháp, Anh: Quân Nguyên sang xâm lấn nước ta ở nửa sau thế kỷ XIII. Vào năm 1285, Ất Dậu, quân ta đại phá quân Nguyên ở trận Tây Kết, bắt được một kép hát tên là Lý Nguyên Cát rất giỏi nghề. Được giữ lại và lập một ban hát, Lý Nguyên Cát dựa theo các truyện cổ làm ra các tuồng tích. Ban hát của Lý Nguyên Cát gặp thời cơ thuận lợi, phát triển mạnh mẽ với nhiều lý do: lối đóng Tuồng mới lạ, có các vai nam (kép), nữ (đào) vừa hát vừa múa diễn các điệu bộ theo từng vai trò trong sự tích, cốt truyện cổ, hóa trang đẹp (nam: oai phong, uy dũng; nữ: xinh đẹp), y phục lộng lẫy, giọng hát hòa hợp với đàn, sáo (âm nhạc) dễ gây cảm xúc. Có thể nói, hát bội ở nước ta bắt đầu từ đó- năm 1285 vào đời vua Trần Nhân Tông(1).

Một cảnh hát bội ở đình Thới Bình, TP Cần Thơ.

Đó là hát bội ở chốn cung đình. Riêng ở thôn quê, sau những vụ mùa, các phú hào giết trâu bò cúng tạ Thần Nông, ăn uống vui say, bày trò ca múa cho thêm phần hào hứng. Họ chọn lựa diễn viên trong số tá điền hoặc con em, chọn diễn những sự tích do những người lớn tuổi kể lại, có tính cách đề cao luân lý. Y quan rất sơ sài, dùng toàn vật dụng nội hóa, cũng kết râu, cũng kết mão, vẫn ăn mặc phân biệt vua tôi, già trẻ, sang hèn... Hát bội bắt đầu xuất hiện kể từ đó(2).

Tóm lại, hát bội Việt Nam - theo khẳng định của Giáo sư Đoàn Nồng - là sự trung hòa nghệ thuật đã thành lập của nước ngoài vào sở hữu của ta về ca vũ để tách rời khỏi nguyên khối(3).

Mặc dù Lý Nguyên Cát, một kép của nhà Nguyên giúp thành lập ban hát, nhưng thời Trần, vì phải chống ngoại xâm, nghệ thuật không mấy phát triển. Sau đó, đến Hồ Quý Ly cướp ngôi, rồi quân Minh tràn qua, Lê Thái Tổ phải nhiều gian nan mới đuổi được xâm lăng. Thời gian sau, họ Mạc chuyên quyền hoán vị hơn nửa thế kỷ, đến nhà Lê trung hưng không may vua lại nhu nhược, bị quyền thần uy hiếp. Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn đua nhau giữ chính quyền, trong nước Nam Bắc phân tranh, hát bội vì thế mà đình trệ.

Đến khi nhà Nguyễn thống nhất san hà, vua Gia Long bận sắp đặt lại việc trong nước, phục hưng chính quyền, tổ chức sinh hoạt cho nhân dân. Mãi đến đời vua Minh Mạng, việc nước đâu vào đấy, hát bội mới thịnh hành trở lại. Đến đời vua Tự Đức thì hát bội rất thịnh. Khi vua Tự Đức băng hà, triều đình bị nạn "tứ nguyệt tam vương" rồi đến vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết mưu đánh lại quân Pháp không thành phải ra miền thượng du Quảng Trị, Quảng Bình. Vua Đồng Khánh lên ngôi, trong nước yên ổn, vua thích hát bội, vở tuồng được vua ưa thích nhất là "Vạn Bửu Trình Tường", trong tuồng, các vai đều lấy tên vị thuốc. Vua Thành Thái cũng ưa hát bội, nhà vua có lên diễn cùng ban hát trong cung và có chấn chỉnh cách bố cảnh trên sân khấu. Vua Khải Định sắp đặt cho ban hát có quy củ, nhà vua ban cho xiêm giáp rực rỡ và bắt phải tập luyện hẳn hoi. Như vậy, hát bội thịnh nhất là dưới triều Nguyễn và chỉ từ giữa thế kỷ XIX về sau. Từ khi các nhà vua chăm nom về hát bội, đồng thời kinh đô đóng tại Huế nên phần nhiều tác giả trứ danh đều là các danh nho ở các tỉnh Trung kỳ. Vì thế, hát bội ở Trung kỳ có vẻ thịnh hơn ở Bắc kỳ.

Hát bội ở Nam bộ và tục thờ tổ hát bội ở đình thần

Trong khi đó ở Nam kỳ, hát bội đã phát triển khi các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi ở phương Nam. Khi tả quân Lê Văn Duyệt được phong làm Tổng trấn Gia Định thành thì hát bội ở Nam kỳ càng thịnh hơn. Ông rất thích hát bội nên đã lập một ban hát riêng, gồm nhiều người điêu luyện. Vở tuồng nổi danh vẫn còn trình diễn đến hôm nay, được biên soạn dưới thời cụ Lê Văn Duyệt là tuồng San Hậu.

Từ đầu thế kỷ XX, miền châu thổ sông Cửu Long có nhiều ban hát nổi tiếng do các điền chủ đứng ra thành lập. Nhờ tiếp xúc nhiều với các đoàn hát lưu diễn của Trung Hoa (Triều Châu và Quảng Đông) hát bội trong Nam có thêm y quan lộng lẫy, điệu múa đẹp, đào kép gia tăng... Các đình miếu tổ chức lễ hội cầu an ở địa phương, làng xã là môi trường giúp cho hát bội càng ngày càng phát triển(4). Cùng với bước chân khẩn hoang của các lưu dân, hát bội từ miền ngoài dần dần được phổ biến ở Nam bộ và được tích hợp vào các buổi cúng đình. Ở Nam bộ trước đây, người ta không thể hình dung cúng đình mà không có hát bội, vạn bất đắc dĩ những ngôi đình quá nghèo không có tiền thuê gánh hát mới đành chịu. Vì lẽ đó, để cho buổi diễn được suôn sẻ người ta phải lập bàn thờ để thờ tổ nghề hát, đồng thời cũng mong vị tổ nghề này phù hộ cho những diễn viên, dân chúng được an vui, lạc nghiệp. 

Theo truyền thuyết, có một vị vua và hoàng hậu sống với nhau hơn 15 năm mà vẫn chưa có con nên ngày đêm cầu trời khẩn Phật để mong được một mụn con. Mỗi khi làm lễ cầu nguyện, vua cho người đóng giả linh thần bay lên trời, vừa bay vừa hát, dâng sớ lên Thượng đế để cầu xin. Sau đó, hoàng hậu hạ sinh hai con trai. Khi làm lễ tạ ơn Trời Phật, nhà vua cũng cho diễn lại cảnh thần linh cưỡi mây bay lên thiên đình, có nhạc trỗi lên, có hát xướng. Hai hoàng tử lớn lên đam mê nghệ thuật hát xướng, tuy nhiên thân thể bệnh tật gầy yếu. Một hôm, hai hoàng tử lén vua cha xem diễn tuồng. Vãn hát, mọi người đi tìm thì thấy hai hoàng tử đã chết tự lúc nào.

Sau này, ban hát nào cũng thấy nhị hoàng tử hiển linh về xem hát, nên lập bàn thờ tôn kính làm Tổ sư. Vì kiêng húy nên gọi chệch ra là ông Làng (thay vì ông Hoàng). Đặc điểm là trên bàn thờ người ta làm hai hình hài nhi bằng vải đứng ở hai bên mép bàn thờ. Vì hai hoàng tử chết trẻ nên bàn thờ thường bày bánh kẹo để cúng, nhưng cấm kỵ bày trái thị. Đào kép cũng không được mang trái thị tới gần bàn thờ. Lý do vì sợ hai ấu hoàng thấy trái thị thơm, đẹp nên ham thích chơi đùa mà không phù hộ cho các diễn viên nữa(5).

Trong mỗi dịp cúng đình, gánh hát bội trước khi vào đình để diễn thường tổ chức lễ rước Tổ hát bội rất long trọng.

Khi gánh hát bội đã đến trước cổng đình, trước hết là ban trống tựu chầu, gồm một hồi trống, lợi hai roi do các hội viên đình đảm trách. Về phía gánh hát bội thì "án binh bất động", lên nhang đèn ở ngai tổ (được mang theo cùng với các trang bị của nghệ sĩ) chờ hội đình làm lễ rước. Các ông bầu, ông nhưng (thầy tuồng), ông biện tuồng trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề. Còn về phía đình, sau khi ban trống tựu chầu, ba ông đại diện hội hương đình trang phục áo dài khăn đóng, bưng một cái khay có đặt trầu, rượu, nhang, đèn và tiền lễ cùng với bốn quân hầu trang phục theo xưa cầm bốn món lỗ bộ (nhóm đồ binh khí cắm ở giá nơi cửa đình) và ban nhạc ra tận cổng đình để rước ngai Tổ hát bội vào đình. Các điệu nhạc vui rộn rã được cử lên, đặc biệt có nghệ nhân đánh một bài trống rất hùng hồn. Ba ông đại diện Hội hương đình ra tới cổng, trao khay lễ vật cho ba ông đại diện gánh hát. Các ông này tiếp lấy và  tất cả cùng đưa ngai thờ Tổ hát bội vào đình, tọa vị sau sân khấu của võ ca. Khi ngai thờ tổ an vị rồi thì gánh hát bội mới bắt đầu mang toàn bộ đồ nghề vào, trang bị khua vực sân khấu, sẵn sàng cho đêm hát chầu đầu tiên(6).

Ngoài việc đặt bàn thờ Tổ ở đoàn hát, ở đình làng người ta cũng đặt bàn thờ vị tổ nghề này ở nơi trang trọng. Tất cả nhằm mong muốn cho nghề nghiệp được hanh thông, buổi diễn được suôn sẻ, mong tổ nghề phù hộ cho dân chúng quanh làng được an lạc, thái bình. 

--------------------------

(1) Lê Văn Chiêu (2008), Nghệ thuật sân khấu hát bội, NXB Trẻ, tr.10

(2) Đinh Bằng Phi (2005), Nhìn về sân khấu hát bội Nam Bộ, NXB Văn nghệ, tr.22-23.

(3) Dẫn theo Đinh Bằng Phi, Sđd, tr.24.

(4) Đinh Bằng Phi, Sđd, tr.26-28.

(5) Lê Văn Chiêu, Sđd, tr.12-13.

(6) Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, NXB Đồng Nai, tr.201-202.

Chia sẻ bài viết