23/11/2023 - 17:52

Hào khí Cái Ngang 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Thời điểm năm 1940, Tỉnh ủy Vĩnh Long thuộc Liên Tỉnh ủy Cần Thơ (gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá và Vĩnh Long). Dưới sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy Cần Thơ và Tỉnh ủy Vĩnh Long, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã diễn ra khí thế trong toàn tỉnh, trong đó có Cái Ngang.

Căn cứ Cái Ngang được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 2016. 

Di tích Lịch sử quốc gia Căn cứ Cái Ngang hiện tọa lạc tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tháng 3-1940, Ban thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã đưa ra Ðề cương về cách mạng Nam Kỳ. Trên tinh thần này, nhiều địa phương ở Nam Kỳ chuẩn bị vũ trang, sẵn sàng khởi nghĩa.

Tại thị trấn Cái Ngang, quận Tam Bình, cuộc khởi nghĩa diễn ra rất quyết liệt. Lực lượng nghĩa quân ở đây có khoảng 100 người, do đồng chí Gia, Bí thư Chi bộ làng Phú Lộc Cựu), chỉ huy. 12 giờ đêm 22-11-1940, toán du kích làng Phú Lộc Cựu do đồng chí Nguyễn Văn Tiển (Tám Thới) chỉ huy, đột nhập vào thị trấn Cái Ngang, đánh chiếm đồn địch, giết tên đồn trưởng, bắt sống một số lính, thu 5 súng. Quân khởi nghĩa làm chủ tình hình ở đây suốt 17 giờ liền. Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm bay phất phới trước gió tại doi đình Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), doi đình Hậu Lộc đối diện chợ Cái Ngang. Hàng trăm ghe xuồng dọc theo bờ sông, hàng nghìn quần chúng nhân dân trong buổi chợ đông reo hò, hoan nghênh cuộc khởi nghĩa do Ðảng lãnh đạo đã giành thắng lợi. Khí thế ngút trời, bà con Cái Ngang ủng hộ quân khởi nghĩa, xé bỏ giấy thuế, đả đảo thực dân Pháp xâm lược.

Tin về đến tỉnh lỵ Vĩnh Long, 9 giờ sáng 23-11-1940, thực dân Pháp đưa toán lính đàn áp cuộc khởi nghĩa. Tàu chạy gần đến chợ Cái Ngang thì bị nghĩa quân phục kích dùng súng mới cướp được bắn, khiến toán lính Pháp sợ hãi tháo chạy. Bọn tề ngụy địa phương tổ chức chống cự cũng bị nghĩa quân đánh cho một trận chạy tán loạn.

Quân khởi nghĩa vẫn làm chủ được thị trấn Cái Ngang, làm cho quân Pháp vô cùng tức tối. 5 giờ chiều 23-11-1940, thực dân Pháp điều một tàu chở đầy lính từ tỉnh lỵ Vĩnh Long tiến đánh thị trấn Cái Ngang, mở đợt tấn công thứ ba quyết tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa. Lúc đầu, quân khởi nghĩa đánh trả rất quyết liệt nhưng sau đó lực lượng tổn thất, vũ khí lại rất thô sơ nên không thể cầm cự với địch, phải rút lui về căn cứ Cây Ðiều, Cái Bần (ấp 5, Phú Lộc Cựu), cách huyện lỵ Tam Bình 4 giờ đi ghe để bảo toàn lực lượng. Tại đây, ban ngày nghĩa quân phục kích đón đánh địch, ban đêm tuyên truyền kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng, được sự che chở và nuôi dưỡng của nhân dân địa phương nên lực lượng duy trì gần 2 tuần lễ (từ 23-11 đến 4-12-1940).

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Long và Nam Kỳ, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cái Ngang, Tam Bình, thất bại do chưa đủ điều kiện chín muồi. Nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ chính là hồi kèn xung trận, là cuộc tập dợt cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc. Sự kiện lịch sử còn biểu lộ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân đối với giặc xâm lược, ngời sáng tinh thần anh dũng quật khởi của quần chúng cách mạng.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Cái Ngang còn được Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn làm căn cứ cách mạng trong nhiều giai đoạn. Từ đầu năm 1949, nơi đây đã trở thành căn cứ chiến lược quan trọng của Vĩnh Long, là nơi lãnh đạo tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn - Chợ Lớn về để phân phối lại cho các tỉnh miền Tây. Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn Cái Ngang là khu căn cứ chiến lược và năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ cách mạng này. Từ Căn cứ Cái Ngang, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tấn công thị xã Vĩnh Long trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chia sẻ bài viết