07/11/2020 - 20:31

Hàng không Đông Nam Á lao đao 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra, hoạt động du lịch quốc tế bị đình trệ, khiến các hãng hàng không Đông Nam Á bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Nhiều máy bay của AirAsia​ vẫn đang “nằm đất”. Ảnh: Reuters

Nhiều máy bay của AirAsia​ vẫn đang “nằm đất”. Ảnh: Reuters

Báo cáo thường niên năm 2019 của Garuda Airlines cho thấy hãng hàng không quốc gia Indonesia này đạt doanh thu 763,8 triệu USD và nắm giữ khối tài sản trị giá 1 tỉ USD. Cùng với Lion Air, Garuda Airlines thống trị thị trường vận tải hàng không nội địa. Lượng hành khách của Garuda Airlines không ngừng gia tăng, từ 32,96 triệu năm 2015 lên 38,44 triệu vào năm 2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chuyến bay bị hoãn đột ngột do COVID-19, Garuda Airlines tuyên bố lỗ 696 triệu USD.

Cùng chung số phận, nhiều hãng vận chuyển khác ở Ðông Nam Á đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải. Ðơn cử, hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways hồi tháng 5 đã đệ đơn xin phá sản. Chỉ trong nửa đầu năm 2020, hãng này bị lỗ 564 triệu USD. Hiện Thai Airways nợ tổng cộng 9,6 tỉ USD sau 3 năm thua lỗ liên tiếp. Thật ra, trong hơn một thập kỷ trước khi COVID-19 bùng phát, Thai Airways đã hoạt động thiếu hiệu quả do cơ chế quản lý yếu kém cùng với tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Theo CNA, Bộ Tài chính Thái Lan, cổ đông lớn nhất của Thai Airways, đang có kế hoạch cắt giảm cổ phần, cho phép hãng hàng không này từ bỏ tư cách là doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, Malaysia Airlines, hãng hàng không quốc gia Malaysia, đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và hiện được cho là đang trên bờ vực phá sản sau khi tiết lộ khoản lỗ 3,32 tỉ USD. Thậm chí, AirAsia, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, phải bán tháo một số chi nhánh trong khu vực để thanh toán khoản nợ 15,3 tỉ USD. Các hãng hàng không khác tại Ðông Nam Á cũng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng. Trong nửa đầu năm nay, Philippine Airlines lỗ 183,1 triệu USD trong khi Singapore Airlines lỗ khoảng 538 triệu USD.

Chính hoạt động kém hiệu quả đã khiến các hãng hàng không Ðông Nam Á tái cơ cấu và cắt giảm quy mô thời hậu COVID-19. Theo đó, Singapore Airlines gần đây quyết định cắt giảm hơn 4.000 lao động tại các công ty con, trong khi Lion Air chấm dứt hợp đồng đối với hơn 2.000 nhân viên. Garuda Airlines thì sa thải 180 phi công, còn Malaysia Airlines đề nghị nghỉ việc tự nguyện không lương đối với 13.000 nhân viên. AirAsia cũng có kế hoạch tương tự trong bối cảnh hãng này muốn cắt giảm 30% chi phí hoạt động. Hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan NokScoot cũng công bố kế hoạch sa thải nhân viên quy mô lớn vài tháng trước khi ngừng hoạt động.

Chiến lược cắt giảm chi phí và nhân viên của các hãng hàng không mang đến tác động tiêu cực đối với nền kinh tế địa phương, bởi mất việc làm kéo theo giảm mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Ðiều này đang tạo áp lực, buộc các chính phủ hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không duy trì việc làm, gồm giảm lãi suất, miễn lệ phí sân bay hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi.

Ngoài sự hỗ trợ của chính phủ, các hãng hàng không cũng có chiến lược duy trì hoạt động cho riêng mình, tạo ra các hình thức kiếm tiền khác khi dịch bệnh ảnh hưởng đến các chuyến bay vận tải nội địa. Chẳng hạn, Scoot, hãng hàng không chi phí thấp của Singapore, đã cho sửa đổi các cabin hành khách thông thường để có thể chở thêm hàng hóa, trong khi hãng hàng không giá rẻ Philippines Cebu Pacific cho thuê máy bay chở thực phẩm, nước, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống SARS-CoV-2 trên khắp Philippines.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, CNA)

Chia sẻ bài viết