TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Trong bối cảnh Saudi Arabia tìm kiếm sự trợ giúp từ nước ngoài để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, Hàn Quốc đặt mục tiêu biến vương quốc giàu dầu mỏ này trở thành khách hàng mua vũ khí tiềm năng, qua đó tham vọng vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng lớn thứ tư thế giới.

Tên lửa Cheongung II của Hàn Quốc mà Saudi Arabia muốn sở hữu. Ảnh: AP
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Yoon Suk-yeol hôm 23-10 đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Khalid bin Salman Al Saud và Bộ trưởng Vệ binh Quốc gia Abdullah bin Bandar bin Abdulaziz Al Saud tại thủ đô Riyadh để thảo luận cách tăng cường quan hệ quốc phòng giữa 2 nước. Theo Hãng tin Yonhap, Bộ trưởng Khalid cho hay hợp tác quốc phòng giữa 2 nước “gần đạt được kết quả” và sẽ đóng vai trò là cột mốc quan trọng mới trong quan hệ đối tác giữa 2 bên. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng sự hợp tác quốc phòng giữa 2 bên sẽ tồn tại cho tới thế hệ tiếp theo, đồng thời đề xuất quan hệ đối tác toàn diện, gồm hợp tác phát triển công nghệ và sản xuất chung. Ðáp lại, Tổng thống Yoon cho hay, Hàn Quốc hy vọng sẽ đóng góp vào sự thành công trong công cuộc cải cách quốc phòng của Saudi Arabia và kêu gọi tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực, gồm huấn luyện quốc phòng, tập trận chung, thăm các căn cứ quân sự và trao đổi nhân sự.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc là nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 9 thế giới. Hiện chính quyền của Tổng thống Yoon đặt mục tiêu đưa nước này vượt qua Trung Quốc để trở thành một trong 4 nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới vào cuối năm 2027, sau Mỹ, Nga và Pháp. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết, nước này đang tìm cách bán thêm vũ khí cho Saudi Arabia như một phần của chiến lược “Ðại dương xanh” trong thương mại song phương. Chiến lược này nói về những nỗ lực của một quốc gia hoặc một công ty nhằm nắm bắt thị trường chưa được khai thác có ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Kim cho hay, Seoul và Riyadh đang thảo luận các chương trình hợp tác quốc phòng dài hạn, gồm cung cấp, bảo trì và tập huấn cách sử dụng vũ khí. “Chúng tôi dự định hợp tác để các hệ thống vũ khí sử dụng công nghệ quốc phòng xuất sắc của chúng tôi có thể giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Saudi Arabia. Tôi cho rằng điều này sẽ đóng vai trò là động lực mạnh mẽ để mở rộng hơn nữa thành tựu của chúng tôi trong xuất khẩu quốc phòng” - ông Kim nói.
Giới chức Hàn Quốc hy vọng Saudi Arabia sẽ đóng vai trò là “bàn đạp”, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc mở rộng sự hiện diện ở Trung Ðông. Seoul trong năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu quốc phòng trị giá 20 tỉ USD sau khi lượng vũ khí bán ra hồi năm ngoái đạt mức kỷ lục 17,3 tỉ USD, gồm lượng xe tăng, pháo, chiến đấu cơ và tên lửa mà Hàn Quốc cung cấp cho Ba Lan trong bối cảnh cuộc chiến tại nước láng giềng Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giới phân tích cho rằng bên cạnh việc mua vũ khí, Saudi Arabia cũng muốn chi số tiền khổng lồ từ doanh thu dầu mỏ cho việc chuyển giao công nghệ quốc phòng từ các đối tác nước ngoài nhằm xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng riêng. Và đây là lĩnh vực mà Hàn Quốc có lợi thế hơn các nhà cung cấp vũ khí khác. “Hàn Quốc là một trong những quốc gia cởi mở nhất trong việc hợp tác công nghệ quốc phòng với các đối tác nước ngoài” - Yang Uk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nhận định.
Theo ông Yang, một trong những công nghệ mà Saudi Arabia muốn có là tên lửa Cheongung II, phiên bản nâng cấp của tên lửa đất đối không tầm trung do Hàn Quốc tự phát triển, bởi hệ thống này có thể hữu ích cho việc Riyadh chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Houthi ở nước láng giềng Yemen. Khi Thái tử Mohammad bin Salman đến thăm Seoul hồi năm ngoái, ông được cho là đã thể hiện sự quan tâm đối với hệ thống vốn được mệnh danh là tên lửa Patriot phiên bản Hàn Quốc này. Năm ngoái, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận trị giá 3,5 tỉ USD để xuất khẩu hệ thống này sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Không những vậy, Saudi Arabia cũng muốn thay thế các loại vũ khí bộ binh cũ kỹ của nước này như xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành mà Hàn Quốc có thể cung ứng trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng đang “để mắt” tới thị trường Saudi Arabia. “Thật khó để nói Saudi Arabia là “Ðại dương xanh” cho xuất khẩu vũ khí, vì nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt đang hiện diện ở đó, gồm cả các nhà cung cấp của châu Âu và Trung Quốc. Nói cách khác, đó là Ðại dương đỏ đối với Hàn Quốc” - Lee Il-woo, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, bình luận.