18/02/2009 - 20:05

Hai Trung- Người thợ cơ khí năng động

Ông Hai Trung (đứng) đang hướng dẫn thợ của cơ sở thực hiện các công đoạn lắp ráp xe nấu và tưới nhựa đường.
Ảnh: C.D

Giải pháp máy tưới nhựa đường đã vượt qua 34 giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu ứng dụng và sáng kiến để đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2006-2007 (tổng kết hội thi vào cuối tháng 4-2008). Điều khiến mọi người bất ngờ hơn khi chủ nhân của giải pháp nói trên là ông chủ một cơ sở cơ khí mới học hết lớp 5. Đó là ông Nguyễn Hiếu Trung (Hai Trung) - chủ cơ sở cơ khí Tiến Đạt ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Không dừng lại ở đó, ông đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra lò chiếc máy rải đá phục vụ công tác sửa chữa, thi công các công trình giao thông đường bộ.

1. Thời gian qua, trong lĩnh vực thi công các công trình giao thông vừa và nhỏ tại ĐBSCL, nhựa đường thường được đặt cố định một nơi để nung nóng. Sau đó, để trải nhựa nóng xuống mặt đường, công nhân phải dùng dụng cụ múc nhựa đường ra thùng tưới, tưới lên mặt đường. Việc sử dụng phương tiện, dụng cụ như thế ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe công nhân, gây ô nhiễm môi trường do nhiên liệu được đốt trực tiếp bên ngoài, hiệu suất làm việc không cao do các phương tiện, dụng cụ thực hiện còn thủ công, đặc biệt là độ thấm sâu của nhựa với đá rất kém và thường không đồng đều. Thế là, ông chủ cơ sở cơ khí với trình độ lớp 5, xưa nay chỉ chuyên đóng thùng suốt lúa đã trình làng một sản phẩm xe nấu và tưới nhựa đường để giải quyết nỗi bức xúc cho công nhân. Một sáng chế phục vụ đắc lực cho ngành giao thông vận tải trong công tác xây dựng cầu đường, sửa chữa đường bộ và tiết kiệm nhân công, chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

“Nghề chính của tôi là đóng thùng suốt và hàn tiện cơ khí. Chứ có khi nào dám nghĩ đến chuyện lấn sân mấy ông kỹ sư chế tạo máy móc bao giờ. Cũng vì một lần nể lời người bạn nhờ vả...”. Ông bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy, ngay tại tiệm cơ khí chật chội, lúc nào cũng ì ầm tiếng động cơ máy hàn, máy tiện... Trên người ông vẫn là bộ đồ bảo hộ lao động lem luốc dầu mỡ, bàn tay to bè bóng nhớt... Câu chuyện cứ ngắt quãng giữa chừng, bởi cứ chốc chốc mấy anh thợ trẻ trong tiệm lại chạy đến cầu cứu, hỏi han do gặp phải sự cố kỹ thuật khi lắp ráp, hàn xì sản phẩm bồn và xe nấu, tưới nhựa đường...

... Năm 1968, khi mới 13 tuổi, học hết lớp Nhất trường làng ở Long Thạnh- Phụng Hiệp, Hai Trung rời quê lên Cái Tắc học nghề thợ hàn, thợ tiện tại một cơ sở hàn gió đá, vừa kiếm nghề để nuôi sống bản thân vừa để đổi đời, vừa tìm cách trốn quân dịch. 4 năm sau, ông chủ tiệm do có chuyện gia đình nên chuyển về Vị Thanh sinh sống nên cha mẹ Hai Trung sang lại cơ sở hàn gió đá này để Hai Trung có điều kiện làm ăn. Từ đó đến năm 1980, Hai Trung chuyển qua sửa chữa bánh lồng và trục máy cày, sau đó chuyển sang đóng thùng suốt lúa. Chính cái nghề này đã nuôi sống vợ chồng ông cùng 2 người con (một trai, một gái). Ông cứ ngỡ rồi cả đời lại truyền cái nghề hàn tiện cho con trai; còn con gái thì theo nghề may của mẹ. Vậy mà cái nghiệp cơ khí của ông bắt đầu chuyển hướng khi ông sáng chế được xe nấu và tưới nhựa đường vào năm 1998.


2. ... Năm 1998, anh Lê Thanh Dần, công tác ở Công ty Công trình giao thông Cần Thơ (nay là Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông Hậu Giang - PV) và cũng là người bạn tâm giao với Hai Trung bất ngờ tìm đến cơ sở đóng thùng suốt của ông và đặt ông chế thử một dụng cụ để nấu nhựa đường. Ban đầu Hai Trung ngại, bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn xa lạ so với cái nghề đóng thùng suốt lúa mà gần 20 năm nay ông vẫn làm. Nhưng khi nghe bạn than vãn chuyện công nhân nấu nhựa đường quá cực, khói đen mù mịt, ô nhiễm môi trường, bị ảnh hưởng sức khỏe, chi phí tốn kém... thì ông gật đầu cái rụp. Hai Trung cùng người con trai đầu (Nguyễn Tiến Đạt - PV) bắt tay vào làm thử nghiệm khi không hề có bất kỳ thông số kỹ thuật hay kiểu dáng nào về sản phẩm tương tự của nước ngoài. Tất cả mọi thứ đều là mày mò tìm kiếm thông tin cộng với kinh nghiệm thâm niên hơn 18 năm làm nghề đóng thùng suốt lúa, sản xuất máy suốt lúa. Chút ít thông tin anh Dần cung cấp chỉ là số liệu về chi phí để đun 1 tấn nhựa đường cần trên 1 tấn củi (tương đương 600 ngàn đồng), chưa kể phải kèm theo vỏ xe cũ để đốt và tốn một số nhựa đang nấu múc ra đổ vào làm nhiên liệu. Tính ra tổng chi phí gần 1 triệu đồng để đun 1 tấn nhựa đường. Anh Dần yêu cầu Hai Trung chế tạo sản phẩm phải nấu được nhựa đường lỏng đạt đến nhiệt độ được qui định theo tiêu chuẩn kỹ thuật (trên 1500C), sau đó múc ra từ bồn và đưa lên xe đẩy có động cơ để phun trên bề mặt đường trước khi rải đá.

Cha con Hai Trung mày mò ngày đêm, làm cật lực sau hơn 3 tháng cho ra lò sản phẩm đầu tiên và thử nghiệm thành công. “Mừng lắm chú ơi - Hai Trung bày tỏ - Gọi là xe cho oai, chứ kỳ thực đấy là một bồn chứa đặt trên xe ba gác và bồn chứa này có gắn bơm áp lực và động cơ để phun tưới nhựa đường. Nhưng đó cũng là cố gắng dữ lắm rồi. Mình là “kỹ sư” hổng bằng cấp mà”. Cấu tạo của xe nấu, tưới nhựa đường này rất đơn giản, chỉ bao gồm bồn nấu có dung tích chứa khoảng 1 tấn nhựa đường có nắp đóng mở để đưa nhựa đường thô vào nấu và có van bơm hút ra ngoài để phun nhựa; một dàn khung sắt có gắn bánh cao su (có động cơ) để đặt bồn lên rồi điều khiển di chuyển ra công trường phun tưới nhựa. “Thành công đó, nhưng thất bại liền chú ơi! “ - Hai Trung nhớ lại. “Thất bại” mà Hai Trung nói nằm ở việc chiếc bồn sử dụng để đun nhựa đường tuổi thọ không cao, chỉ sử dụng để đốt chừng 20 tấn nhựa đường là đáy bồn bị thụng xuống do không chịu nổi độ nóng của than đá. Do vậy nên cuối năm 2000, Hai Trung bắt tay thiết kế lại bồn đun sử dụng dầu FO nhưng sau đó lại bỏ vì giá dầu tính ra khá đắt nên chuyển qua sử dụng nhớt cũ pha với dầu và sau này chỉ sử dụng nhớt cũ. Vừa làm vừa thử nghiệm để hoàn thiện, đến năm 2002, sản phẩm xe nấu, tưới nhựa đường đã hoàn thiện, được sử dụng cơ động trong thi công các công trình giao thông vừa và nhỏ, các công trình giao thông nông thôn. Xe có chức năng như một xe cơ giới thông thường tự di chuyển, có kết cấu bao gồm: một động cơ cung cấp năng lượng cho toàn bộ các thiết bị trên xe, bộ phận hút và tưới nhựa đường (sử dụng áp lực máy bơm để hút và tưới nhựa nóng lên mặt đường khi nhựa được đun đến nhiệt độ khoảng 1500C -theo tiêu chuẩn 22TCVN227-95), thiết bị gia nhiệt để đun nóng thùng nhựa thô được đưa từ bên ngoài vào, bộ phận nâng hạ bồn chứa nhựa... Toàn bộ các bộ phận nói trên đều nằm trên khung sườn của xe cơ giới. Ngoài ra, xe nấu, tưới nhựa đường còn có thể hút nhựa nóng từ bên ngoài vào thùng chứa nhựa thông qua bộ phận hút nhựa.

“Sản phẩm của Hai Trung không chỉ giải được bài toán cơ động trong việc nấu và tưới nhựa đường, sử dụng máy bơm hút và tưới nhựa nóng, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân trong quá trình làm việc cũng như làm giảm ô nhiễm môi trường bằng cách dùng buồng đốt mà hiệu quả kinh tế đem lại rất lớn” - anh Lê Thanh Dần nhận xét. Nếu trước đây để đun 1 tấn nhựa đường bằng phương pháp thủ công, phải tốn 40 kg nhựa đường cộng thêm 600 ngàn đồng tiền củi và vỏ xe cũ, với tổng chi phí gần 1 triệu đồng, cộng với 2-3 công nhân lo chất củi, múc nhựa trong khoảng thời gian gần 6 giờ đồng hồ. Còn với xe nấu và tưới nhựa đường chỉ tốn 20 lít nhớt cũ (tương đương 100.000 đồng) và 1 lít dầu để chạy máy nén khí cùng 1 nhân công phụ trách nấu với thời gian chỉ 2 giờ đồng hồ.

Năm 2006, xe nấu, tưới nhựa đường của Hai Trung được mời tham dự Chợ Công nghệ và Thiết bị do tỉnh An Giang (Teachmart An Giang 2006) tổ chức và gây sự chú ý đối với mọi người. Tại chợ công nghệ này, đơn đặt hàng đầu tiên được Hai Trung ký kết với Công ty Cấp thoát nước Cà Mau với giá 85 triệu đồng. Từ đó đến nay, Hai Trung đã bán ra thị trường trên 20 xe nấu, tưới nhựa đường cho các công ty, doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Đông Nam bộ. Và thậm chí đến tận Gia Lai cũng có công ty tìm đến tận Hậu Giang để mua sản phẩm của Hai Trung. Hồi tháng 12-2008, Hai Trung mới bán cho Công ty đường bộ Đắc Lắc một xe. Hiện nay, giá bán sản phẩm xe nấu, tưới nhựa đường vào khoảng 130 triệu đồng (rẻ hơn từ 400 triệu đồng -600 triệu đồng so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài), nếu khách hàng chỉ mua bồn đun nóng nhựa đường (có gắn bánh xe để kéo, đẩy khi phun) có giá vào khoảng 40 triệu đồng.

“Cơ sở mình còn nhỏ, vốn ít, công nhân chỉ 5-6 người nên muốn “nở nồi” cũng chưa dám. Mỗi tháng tôi chỉ sản xuất được 2 sản phẩm - Hai Trung tâm sự - Sắp tới khi được cấp bằng sáng chế độc quyền thì tôi mới tính tiếp”. Nói thì nói thế, nhưng hiện nay, Hai Trung đã hoàn tất thiết kế sơ bộ để sắp sửa trình làng chiếc máy rải đá 2 vỉ, có trọng lượng chứa 1,4 tấn đá để phục vụ thi công các công trình giao thông. Nghe tin này, dân trong nghề càng khâm phục tài năng của ông thợ cơ khí miệt vườn trình độ mới lớp 5! Còn “kỹ sư chân đất” Hai Trung chỉ nói ngắn gọn: “Sản phẩm mình làm ra mà có ích cho mọi người, cho xã hội, với tôi, đó là niềm vui lớn nhất”.

Chia sẻ bài viết