23/07/2018 - 07:00

Góc nhìn đa chiều trong “Chín bỏ làm mười” 

Nổi tiếng với những tác phẩm viết về Hà Nội, nhà văn Trần Chiến một lần nữa đưa người đọc đến với đất và người thủ đô qua tiểu thuyết mới nhất “Chín bỏ làm mười”. Lần này, qua lăng kính của những con người sống trong một khu phố cổ, người đọc sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về vùng đất ngàn năm văn hiến này. Sách do NXB Phụ nữ xuất bản quý II/2018.

“Chín bỏ làm mười” là một tiểu thuyết không dễ đọc bởi lối viết trúc trắc, cũng như vấn đề tác phẩm đặt ra. Nhưng khi đã bắt nhịp được với câu chuyện, người đọc sẽ khám phá ra những điều thú vị, hiểu rõ hơn một giai đoạn lịch sử cũng như nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Bối cảnh của câu chuyện là phố Hàng Nồi vào những năm 1960, nhiều gia đình ở các tỉnh, khu vực nông thôn được phân nhà ở Hà Nội. Một ngôi nhà có 5, 7 gia đình xa lạ sống chung là điều bình thường. Con phố cổ kính, yên bình trở nên chật hẹp với những người khác biệt về lối sống. Trong thời điểm đó, mỗi người, mỗi gia đình đều sống theo kiểu “Chín bỏ làm mười”, “Một điều nhịn, chín điều lành”. Thế nhưng, có những điều không dễ gì dung hòa được và nỗi niềm ấy được tác giả lột tả chân thật và có phần khắc nghiệt.

Từng suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề được trần thuật qua ngôi kể “tôi” của 7 nhân vật: Nam - chú bé mọt sách, bác Lẫm có biệt danh “Biết Tuốt”, cô Hiếu “cơm”, Tâm “mun”, Lâm “đồng cô”, dân phòng Đỗ Xuân Biếc và lão Khiêm thủ từ đền Song Mã. Nếu Nam và Tâm là những mảng màu sáng bởi sự ngây thơ, lương thiện của tuổi thiếu niên; thì 5 người còn lại là những vệt màu sắc, lạnh, có phần u ám. Người đọc không khỏi xót xa cho Lâm, một người có học thức nhưng bị xã hội coi thường, khinh ghét vì giới tính không rõ ràng, đến cuối cùng phải tìm đến cái chết để giải thoát. Hoặc đồng cảm với cô Hiếu, một phụ nữ xuất thân trung lưu, gia giáo, đảm đang nhưng phải gò mình trong khuôn phép khắc nghiệt của nhà chồng và sống sao cho giống số đông. Hay bức xúc với dân phòng Đỗ Xuân Biếc, một kẻ thô lỗ, tham lam và lúc nào cũng muốn tâng công với cấp trên bằng cách mưu hại người khác… Trong khi đó, thủ từ Khiêm và anh Lẫm “Biết Tuốt” luôn đau đáu với những giá trị văn hóa truyền thống, những vẻ đẹp đang bị mai một.

Với vốn sống và kiến thức phong phú, ngòi bút sắc sảo, nhà văn Trần Chiến xoáy sâu vào những ngổn ngang của đô thị Hà Nội thời điểm cách đây gần 60 năm. Vì lẽ đó, tác phẩm có những giá trị riêng về mặt lịch sử trong dòng chảy văn học hiện nay.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết