10/09/2022 - 10:21

Giúp nhau phát triển kinh tế 

Bài, ảnh: Hồng Vân

Hội LHPN xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ luôn quan tâm, đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều cách làm năng động, sáng tạo. Ðặc biệt, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, Hội LHPN xã đã kịp thời hỗ trợ hội viên khắc phục khó khăn, phục hồi sinh kế, duy trì và phát triển các mô hình kinh tế tập thể đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Những ngày này, tại ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, nhiều chị em quây quần cùng nhau đan thảm lục bình. Chị Phạm Thị Mỹ Châu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ðông Mỹ, kể: “Năm 2018, tôi học nghề đan thảm và rủ thêm các chị gần nhà cùng đan lục bình gia công. Ban đầu, có ít chị tham gia; dần dà, thấy công việc vừa nhẹ nhàng lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi nên chị em tham gia đông hơn. Mỗi tấm thảm có giá gia công từ 6.500-7.000 đồng. Trung bình, chỉ mất khoảng 45 phút, một người đã có thể đan xong tấm thảm loại lớn”. Theo chị Mỹ Châu, khi công việc đang thuận lợi thì dịch COVID-19 ập tới, việc gia công bị gián đoạn do cơ sở không đến thu mua hàng, chị em mất đi nguồn thu nhập.

Nghề đan thảm lục bình mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ. 

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt vào đầu năm 2022, Hội LHPN xã Ðông Thắng đã chủ động liên hệ, tìm các đầu mối tiêu thụ sản phẩm để giúp chị em khôi phục sinh kế. Ðầu tháng 9-2022, Hội LHPN xã Ðông Thắng chính thức thành lập Tổ hợp tác (THT) đan lục bình tại ấp Ðông Mỹ. THT hiện có 10 thành viên, chuyên gia công thảm lục bình, được cơ sở lục bình ở tỉnh Vĩnh Long cung cấp nguyên liệu và đến tận nơi thu mua thường xuyên. Chị Huỳnh Ngọc Vân, thành viên THT đan lục bình, cho biết: “Trước đây, tôi làm công nhân may ở Bình Dương. Năm 2021, phần do ảnh hưởng dịch bệnh, phần muốn chăm sóc con cái tốt hơn, tôi nghỉ việc và trở về địa phương. Trong giai đoạn thất nghiệp, tôi tham gia học nghề đan lục bình cùng chị em gần nhà. Hiện nay, mỗi ngày, tôi đan được khoảng 10 cái thảm”.

Theo các tổ viên, sản phẩm gia công là những tấm thảm hình tròn với các kích cỡ khác nhau. Một người thợ lành nghề mỗi ngày có thể đan được 15-20 sản phẩm, với mức giá gia công cao hơn trước, từ 8.000-11.000 đồng/thảm. Sản phẩm được công ty đến thu mua nên chị em rất yên tâm, phấn khởi.

Chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Ðông Thắng, cho biết, hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì vậy, Hội LHPN xã luôn quan tâm, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Từ việc rà soát tình hình đời sống và nhu cầu phát triển sản xuất của hội viên, Hội đã xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Ðáng chú ý, Hội LHPN xã duy trì, thành lập mới nhiều mô hình hiệu quả, như: THT đan dây nhựa với 30 chị em tham gia, chủ yếu đan sản phẩm bàn ghế với mức thu nhập khoảng 50.000-80.000 đồng/ngày; THT may gia công với 15 thành viên tham gia, có thu nhập 2-4 triệu đồng/tháng… Hội còn vận động hội viên nuôi cá lóc vèo để tạo sinh kế vào mùa nước nổi hằng năm. Mô hình nuôi cá lóc vèo hiện có 11 chị tham gia. Bên cạnh việc hỗ trợ các thành viên nắm vững kỹ thuật nuôi, Hội LHPN xã còn giúp các chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư, phát triển mô hình. Ðầu năm nay, Hội LHPN xã Ðông Thắng cũng vừa ra mắt mô hình phụ nữ dân tộc Khmer duy trì, phát huy nghề làm bánh truyền thống với 12 thành viên tham gia.

Cùng với việc triển khai các mô hình kinh tế, THT, tổ liên kết do hội viên phụ nữ làm chủ, hoạt động hiệu quả, Hội LHPN xã Ðông Thắng còn duy trì hoạt động của 8 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp nhiều lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng dư nợ trên 14 tỉ đồng. Hoạt động giới thiệu việc làm cũng được Hội chú trọng. Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN xã đã liên kết Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam để giới thiệu trên 30 lượt lao động đến làm việc tại Công ty, với mức thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội cũng giới thiệu trên 100 lượt chị em hội viên làm việc ngoài thành phố với các nghề: may mặc, mộc,…

Thông qua nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, Hội LHPN xã Ðông Thắng đã làm tốt vai trò cầu nối, giúp hội viên có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Qua đó, góp phần cùng địa phương và các cấp Hội LHPN thành phố hoàn thành mục tiêu về an sinh xã hội.

Chia sẻ bài viết