11/03/2010 - 21:12

Giúp nhau làm giàu từ nấm bào ngư

Anh Nguyễn Văn Nghĩa là một trong những người khởi xướng phong trào trồng nấm bào ngư ở tỉnh Kiên Giang.

Gần đây, cơ sở sản xuất nấm bào ngư của anh Nguyễn Văn Nghĩa (phường An Bình, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Điều đáng quý ở anh Nghĩa là không chỉ biết vươn lên làm giàu cho bản thân, mà anh còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện, giúp đỡ cho nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương như anh Lâm Văn Phúc, anh Huỳnh Văn Thảo... cùng nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. 

* Thoát nghèo từ cây nấm!

Trời chưa hửng nắng, anh Lâm Văn Phúc (ở phường An Bình, TP Rạch Giá) đã tất bật với việc thu hoạch 2.000 bịch phôi nấm bào ngư, đây là vụ trồng thứ hai, hứa hẹn sẽ gặt hái một kết quả khả quan. Ban đầu, anh Phúc trồng thử nghiệm 1.000 bịch phôi nấm bào ngư, trên diện tích 40m2 đất. Sau thời gian chăm sóc, anh thu hoạch bán được gần 10 triệu đồng (trong đó, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 5 triệu đồng). Anh Phúc cho biết: “Kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm bào ngư không khó, chỉ cần người trồng tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn. Hiệu quả kinh tế mà nó mang lại khá cao”. Theo tính toán của anh Phúc, 1 bịch phôi có giá 3.000 đồng, sau khoảng 2 tháng chăm sóc, 1 bịch phôi sẽ cho năng suất từ 300 đến 400 gam nấm. Sản phẩm thu được, anh bán được 20.000 đồng/kg.

Nhà trồng nấm bào ngư được làm bằng vật liệu nhẹ, rẻ tiền như tre lá, lưới. Dùng dây ni lông treo bịch phôi theo hướng nằm ngang, mỗi hàng cách nhau khoảng 30cm, chiều cao khoảng 1,6m. Chọn những bịch phôi có sợi tơ nấm mọc trắng đều, sau đó, tiến hành tháo nút bông phía trên miệng, dùng dao lam rạch từ 3-4 đường trên bịch phôi. Sau khi rạch bịch phôi, ngày hôm sau mới phun tưới nước (bình quân 2 lần/ngày, nếu khô từ 3-4 lần/ngày). Nhiệt độ thích hợp từ 25-280C; Ánh sáng có thể đọc sách là điều kiện thích hợp nhất để tạo quả thể nấm phát triển. Mỗi bịch phôi có thể thu hoạch được 3-4 đợt, một vụ trồng kéo dài từ 2,5 đến 3 tháng. Sau nhiều vụ trồng, anh Huỳnh Văn Thảo (ở phường An Bình, TP Rạch Giá) chia sẻ kinh nghiệm: “Địa điểm trồng nấm nên cách xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, đường giao thông; xây dựng nhà trồng tránh hướng gió lùa, vệ sinh và khử trùng tốt. Nước tưới rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn sẽ làm quả thể nấm bị dị dạng. Tưới đủ nước, nếu thừa sẽ làm bịch phôi bị úng, giảm năng suất và là cơ hội cho nấm mốc lạ tấn công”.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất nấm bào ngư của anh Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1985, ở khu phố 1, phường An Bình, TP Rạch Giá), là một trong những người đã khởi xướng phong trào trồng nấm bào ngư ở tỉnh. Hơn hai năm đi vào hoạt động, cơ sở của anh Nghĩa đã thu hút được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nói về quy trình sản xuất nấm bào ngư, anh Nghĩa cho biết: “Nguyên liệu dùng để làm phôi nấm chủ yếu là mùn cưa thuộc gỗ cao su. Nguyên liệu sau khi qua xử lý, ủ chín, phối trộn chất dinh dưỡng, vô bịch, hấp tiệt trùng, cấy meo giống. Sau 20 - 25 ngày tơ nấm mọc đầy bịch phôi, lúc này bịch phôi được đem ra nhà nấm chăm sóc thu hoạch quả thể”. Một trong những yếu tố giúp cơ sở sản xuất nấm bào ngư của anh Nghĩa thành công là do anh đã chủ động, mạnh dạn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng, với mức giá 20.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ đi chi phí, người trồng sẽ có lời 1.000 đồng/bịch phôi. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước đây, anh Nghĩa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là đầu ra của sản phẩm. Để giải quyết bài toán nan giải này, anh Nghĩa quyết tâm đi tìm hiểu thị trường nấm bào ngư. Anh lặn lội đến tận TP Hồ Chí Minh quảng bá giống nấm mới và những chuyến đi ấy đã không làm anh thất vọng. Hiện nay, đầu ra nấm bào ngư của anh Nghĩa không chỉ tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh mà còn phát triển thuận lợi tại thị trường các tỉnh An Giang, Long An... Bình quân, mỗi tháng anh Nghĩa tiêu thụ 2,5 tấn nấm bào ngư tươi và anh đang hướng đến thị trường nấm sấy khô xuất khẩu...

* Dám nghĩ, dám làm!

Cơ duyên giúp anh Nghĩa đến với nghề trồng nấm bào ngư thật tình cờ. Học hết lớp 8, anh Nghĩa chuyển sang học nghề sửa máy tàu, theo gia đình vận chuyển hàng hóa thuê bằng sà lan. Trong lần vận chuyển hàng hóa về thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, anh tình cờ phát hiện mô hình trồng nấm bào ngư ở đây rất thành công, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đồng thời mang về nguồn thu nhập đáng kể. Thế là, anh lân la, xin làm thí công để học hỏi kinh nghiệm, quy trình sản xuất nấm bào ngư hoàn chỉnh.

Say mê tìm tòi nghiên cứu, anh Nghĩa chia sẻ cùng gia đình về dự tính thực hiện mô hình làm nấm bào ngư tại TP Rạch Giá. Ông Nguyễn Văn Phủ, cha anh Nghĩa cho biết: “Ban đầu khi nghe con mình dự tính sẽ mở cơ sở sản xuất nấm bào ngư, thú thật vợ chồng lo lắng lắm. Chi phí đầu tư lớn, trong khi đó, sản phẩm còn khá mới mẻ, đầu ra không ổn định. Thế nhưng, sau nhiều chuyến đi tham quan thực tế ở một số cơ sở sản xuất nấm bào ngư ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... sau cùng, chúng tôi tán đồng ý tưởng của con”. Được người thân ủng hộ, anh Nghĩa tìm đến Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Tiền Giang học kinh nghiệm.

Tháng 4-2008, anh Nghĩa ngừng kinh doanh quán cà phê tại căn nhà đang ở, thu xếp gọn khu vực sinh hoạt gia đình, dành diện tích 200m2 mở cơ sở sản xuất nấm bào ngư. Buổi đầu đầu tư gần 100 triệu đồng, anh Nghĩa xây dựng lò áp suất khử trùng, phòng phân lập nuôi phôi giống, dụng cụ sấy men, máy sàng mạt cưa. Hai tháng sau, cơ sở của anh Nghĩa đi vào hoạt động, với công suất 20.000 bịch phôi giống/tháng. Sau 4 tháng, anh thu hoạch 5.000kg nấm, giá bán 20.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 30 triệu đồng. Thấy mô hình làm nấm của anh Nghĩa cho hiệu quả kinh tế cao, bà con xung quanh và thanh niên địa phương đến tham quan, đặt hàng ngày càng nhiều. Sau đó, anh chuyển hẳn sang sản xuất, bán phôi nấm giống, giá 3.000 đồng/bịch phôi. Mỗi tháng, cơ sở anh Nghĩa sản xuất 20.000 bịch phôi, tạo việc làm cho 6 lao động. Trong dịch vụ cung ứng phôi nấm, anh đã chủ động xây dựng được lòng tin cho người tiêu dùng, sản phẩm phôi giống của cơ sở anh làm ra không những được giao tận nơi đến người tiêu dùng mà còn được anh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Thậm chí, có những đơn hàng anh đợi đến khi nào người mua thu hoạch được nấm thì anh mới nhận tiền. Mỗi đợt đầu tư với chi phí là 22 triệu đồng (10.000 bịch phôi) đến khi cơ sở cho ra sản phẩm bán vào thị trường thì được 30 triệu đồng và cứ 10 ngày cơ sở cho ra 10.000 bịch phôi. Chỉ trong 1 tháng, cơ sở của anh Nghĩa thu lợi nhuận từ những bịch phôi 24 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn có 2 cơ sở sản xuất nấm bào ngư với 15.000 bịch nấm đang cho thu hoạch, bán ra thị trường từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày. Trong đó, lợi nhuận là 150 ngàn đồng/ngày, hàng tháng anh thu lợi nhuận từ cơ sở này là 4,5 triệu đồng. Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, anh Nghĩa cho biết mong rằng sẽ được chính quyền hỗ trợ vốn vay và diện tích đất canh tác để mở rộng quy mô sản xuất, trưng bày sản phẩm, phân lập giống, trại thực nghiệm, phòng tập huấn cho thanh niên...

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Nghĩa nhận hướng dẫn cho trên 10 sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh đến thực tập mô hình nuôi trồng nấm. Ngoài ra, anh còn tham gia cùng Tỉnh đoàn tổ chức giới thiệu 15 trại mô hình trồng nấm bào ngư đến đoàn viên, thanh niên ở các huyện như: Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, Kiên Lương (mỗi huyện 2 trại) và TP Rạch Giá (7 trại) vào các dịp Ngày hội việc làm. Anh Nghĩa đang thực hiện dự án nấm bào ngư cho Huyện đoàn Phú Quốc, tổng trị giá trên 37 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 thanh niên... Với những nỗ lực đó, năm 2009, anh Nghĩa vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của. Điều quý ở anh Nghĩa, theo nhận xét của anh Đồng Xuân Trường, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Tỉnh đoàn Kiên Giang: “Anh Nguyễn Văn Nghĩa không chỉ biết vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương cùng nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống...”.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết