25/03/2010 - 21:11

Giữ sạch răng để phòng bệnh viêm nha chu

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa
(Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ)

Viêm nha chu là bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng, đứng sau bệnh sâu răng. Bệnh có thể gặp ở trẻ em ngay thời kỳ bú sữa nhưng phổ biến ở tuổi trung niên, người già. Bệnh khiến cho miệng có mùi hôi, ăn uống không thoải mái và là một trong những nguyên nhân gây mất răng ở người lớn.

Một trường hợp được làm sạch cao răng tại Bệnh viện Mắt - Răng - Hàm Mặt TP Cần Thơ.
Ảnh: K.LOAN

Bệnh nha chu là tình trạng viêm nhiễm các tổ chức xung quanh răng, làm răng suy yếu, giảm chức năng ăn nhai, ảnh hưởng tới sức khỏe. Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn viêm nướu và viêm nha chu. Bệnh diễn tiến thầm lặng nên người bệnh thường không quan tâm. Vì vậy bệnh thường được phát hiện rất trễ, khi đã có nhiều biến chứng như: hôi miệng, răng lung lay, tụt nướu... Bệnh tiến triển tiến dần với các dấu hiệu: chảy máu nướu khi chải răng; nướu sưng đỏ, dễ chảy máu; vôi răng đóng ở cổ răng; hơi thở có mùi hôi dai dẳng; ấn vào nướu thấy mủ chảy ra; có cảm giác không bình thường khi nhai; răng lung lay, thưa ra...

Nguyên nhân chính của bệnh nha chu là do tình trạng vệ sinh răng miệng không tốt: ở trẻ em, không được làm sạch răng sau khi bú sữa; ở người lớn, không chải răng sau khi ăn. Nếu răng không được chải sạch sau khi ăn thì khoảng 15 phút sau sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng, gọi là màng bám. Nếu màng bám không được làm sạch các vi khuẩn bám vào màng này, tích tụ ngày càng dầy lên tạo thành mảng bám. Các mảng bám có chứa vi khuẩn sẽ gây viêm nướu.

Viêm nướu nếu không được điều trị sẽ bị viêm nặng hơn, dần sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nha chu. Lúc nầy bệnh sẽ tiến triển rất nhanh dù điều trị cũng không thể hồi phục như cũ vì bệnh đã phá hủy các mô nâng đỡ răng nằm sâu bên dưới nướu như: xương ổ, dây chằng nha chu và xê-măng. Gia đoạn này, răng bị lung lay và tự rụng dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.

Đối với trẻ em, viêm nha chu có thể gây sốt cao, đau đớn, chảy nước bọt... khiến trẻ biếng ăn, viêm họng, tiêu chảy, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe toàn thân. Đối với người lớn, ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lung lay răng. Bệnh nha chu còn gây hôi miệng làm người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp. Bên cạnh đó, còn làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn và có thể gây nên chứng đau dạ dày.

Ngoài nguyên nhân kém vệ sinh, còn có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu sau:

- Chế độ dinh dưỡng, sức khỏe răng miệng không tốt.

- Tâm lý căng thẳng làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

- Bệnh tiểu đường, các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch (ví dụ: bệnh bạch cầu, HIV/IADS...).

- Bé gái ở lứa tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Đặc biệt là phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh nha chu khá cao do cơ thể có sự xáo trộn nội tiết tố, làm tăng sinh mao mạch.

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ:

- Ở trẻ bú sữa cần làm sạch răng sau khi bú.

- Ở người lớn:

+ Cần chải răng sau khi ăn để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng và khe nướu.

+ Sử dụng các dung dịch súc miệng bán trên thị trường để hạn chế mảng bám và vi khuẩn, giúp hơi thở có mùi thơm hoặc có thể dùng nước muối pha loãng thay thế nếu không có điều kiện.

+ Ăn trái cây có nhiều chất xơ có tác dụng tẩy rửa giúp răng sạch sau khi ăn cơm như khóm, mía...

+ Hạn chế rượu bia, tránh hút thuốc lá.

+ Khám răng định kỳ 3 hoặc 6 tháng/ 1 lần, lấy sạch vôi răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.

Khi phát hiện các dấu hiệu của viêm nướu, bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị sớm. Trường hợp đã bị viêm nha chu, bệnh nhân phải được điều trị sớm và tuân thủ tốt hướng dẫn của bác sĩ để việc điều trị đạt kết quả tốt. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Quan điểm tối ưu của bác sĩ điều trị là bảo tồn răng, đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Nha chu là gì?

Nha là răng. Chu là chu vi xung quanh răng. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, giúp răng đứng vững trong xương hàm. Tổ chức xung quanh răng gồm các thành phần chính: Nướu bên ngoài, bình thường có màu hồng nhạt, ôm sát quanh răng, che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới như dây chằng, xương ổ răng,.... ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại các tổ chức này. Nướu lành mạnh giúp răng chắc khỏe.


Chia sẻ bài viết