Ðịnh vị nông nghiệp xanh, “Made in Việt Nam” cho đất Chín Rồng
MỸ THANH - MINH HUYỀN
Bài 2: Giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, lan tỏa giá trị cộng đồng
Một trong những đột phá chiến lược của Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển vùng ÐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên 3 trụ cột "kinh tế - xã hội - môi trường". Từ thực tế đó, cả hệ thống chính trị, tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đã chung tay gầy dựng nên những mô hình kinh tế nông nghiệp xanh. Qua đó, phát huy vai trò, sức mạnh lan tỏa và trách nhiệm xã hội của cộng đồng trong việc thúc đẩy Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, theo chuỗi khép kín tại Việt Úc. Ảnh: MỸ THANH
Từ những mô hình nông nghiệp xanh
Hiện thực hóa giấc mơ du lịch xanh, dự án Nông trại nghỉ dưỡng thuân thiên Việt Mekong Farmstay của chị Hồ Ngọc Trâm ở huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp mang đến trải nghiệm khó quên cho du khách trong và ngoài nước. Với không gian ký ức miền khẩn hoang vùng Ðồng Tháp Mười, hài hòa với thiên nhiên được phục dựng và lưu giữ, Việt Mekong Farmstay gây nhớ thương cho du khách bằng những điều rất đỗi bình dị, giản đơn như tấm lòng chân chất, thiệt thà, mến khách của người dân miền Tây sông nước. "Du lịch nông nghiệp là mô hình không mới, vì vậy với phương châm "Kết nối giá trị - tạo sự khác biệt", Việt Mekong Farmstay mang đến cho du khách những kỷ niệm, trải nghiệm ấn tượng khó quên. Ðến với Việt Mekong Farmstay, du khách được quay về miền nhớ với không gian bếp quê ấm cúng, thưởng thức bữa cơm quê nấu bằng bếp củi, những món ăn dân dã như rau luộc, gà vườn luộc, cá lóc đồng nướng… Buổi tối, du khách được nghỉ qua đêm tại các bungalow sinh thái trên nông trại thuận thiên, hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, không ồn ào khói bụi thị thành" - chị Hồ Ngọc Trâm, Giám đốc điều hành dự án, chia sẻ.
Góp sức cho hành trình xanh hóa nông nghiệp còn có sự tham gia tích cực từ các hợp tác xã (HTX) ở ÐBSCL. HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, thành lập từ năm 2015 với tiền thân là tổ hợp tác sản xuất lúa giống Khiết Tâm. Năm 2016, HTX đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa, đưa kỹ thuật và cơ giới hóa vào đồng ruộng, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2019, HTX Khiết Tâm được tiếp cận Dự án VnSAT, các thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo công nghệ mới về canh tác lúa bền vững và thực hành ngay trên đồng ruộng của HTX. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, chia sẻ: Hiện nay, HTX đã nâng lên canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) để vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Nhờ chuẩn hóa quy trình canh tác lúa theo hướng bền vững nên HTX rất thuận lợi khi hợp tác sản xuất theo yêu cầu của các doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu. Ðặc biệt là qua quá trình chuyển đổi sang canh tác lúa bền vững, môi trường sinh thái trong vùng sản xuất lúa HTX có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trên đồng ruộng, hệ thống kênh mương thủy lợi, các loại cua cá tự nhiên đang dần khôi phục lại.
Từ năm 2019, Tổ chức Oxfarm phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) triển khai dự án Graisea thông qua mô hình tôm lúa bền vững tại HTX Trí Lực Cà Mau. Dự án nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, áp dụng các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh, thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững theo các tiêu chuẩn ASC, Organic… Bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc MCD, chia sẻ: Trong quá trình tham gia dự án, HTX Trí Lực liên kết với doanh nghiệp Minh Phú để nuôi tôm theo tiêu chuẩn và ký kết hợp đồng bao tiêu. Từ năm 2019 có 329 hộ gia đình đăng ký tham gia dự án, đến năm 2022 thực hiện đánh giá 252 hộ với diện tích 565ha đạt tiêu chuẩn ASC. Bên cạnh đó, HTX Trí Lực cung cấp dịch vụ thu mua giống lúa ST25 hữu cơ, năm 2019 có 200ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ EU và năm 2021 có 300ha đạt tiêu chuẩn này; HTX cũng xây dựng nhãn hiệu gạo an toàn Hoàng Yến phân phối ra thị trường nhằm tăng thêm thu nhập cho nông dân. Qua mô hình có 10 tổ hợp tác được thành lập và thực hành theo tiêu chuẩn ASC, năng suất lúa bình quân của thành viên tham gia đạt 5,518 tấn/ha, năng suất tôm bình quân đạt 341kg/ha.
Ðến sinh kế bền vững cho cộng đồng
Với mục tiêu xuyên suốt là tăng vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Dự án Graisea còn góp phần tăng vai trò của nữ giới tham gia mô hình sản xuất lúa tôm. Chị Trương Thị Kiều Diễm, Tổ trưởng Tổ sinh kế HTX Oxfarm, chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ ở nhà làm nội trợ, từ khi tham gia mô hình, tôi và chồng cùng phân chia lại công việc, tôi tham gia ra quyết định đầu tư cho vuông tôm, quyết định thời điểm xuống giống… Thậm chí vợ chồng chia nhau khu vực sản xuất để so sánh đối chiếu chọn lựa giải pháp canh tác phù hợp. Nhờ cùng làm, cùng ra tạo ra lợi nhuận tôi thêm phần tự tin mình có thể đóng góp, sát cánh cùng chồng trong phát triển kinh tế gia đình".
Lực lượng "3 cùng" của Tập đoàn Lộc Trời cùng nông dân HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1 thăm đồng, tư vấn kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn EU. Ảnh: MINH HUYỀN
Thực hiện sứ mệnh "Cùng nông dân phát triển bền vững", hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời có được sự tin tưởng, yêu thương và đồng hành của hàng trăm ngàn nông hộ trên khắp cả nước với sự tư vấn tận tình của anh em "3 cùng". Ông Ðặng Thái Hiện, Chủ tịch HÐQT HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang chia sẻ: Toàn HTX có 600ha diện tích canh tác của thành viên trực thuộc và thành viên liên kết. Trong đó có 273ha canh tác theo tiêu chuẩn EU. Với tiêu chuẩn EU, quy trình canh tác khắt khe hơn, lúa trước khi thu hoạch phải test mẫu theo quy định. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được Tập đoàn Lộc Trời cộng thêm từ 200-300 đồng/kg so với tại thời điểm chốt giá. Trước đó, HTX cũng tham gia cùng Lộc Trời triển khai "Mặt ruộng không dấu chân" và được bao tiêu ổn định về đầu ra nên các thành viên đều rất yên tâm.
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Việt Úc luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho người nuôi tôm và môi trường. Theo ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc: Ngành tôm đứng trước 2 vấn nạn lớn là lạm dụng kháng sinh và tác động môi trường. Ðể vượt qua thách thức này Việt Úc còn là tập đoàn khởi xướng mô hình nuôi tôm "VUS bền vững", kêu gọi nuôi tôm hoàn toàn không kháng sinh. Ðây là mô hình nuôi vi sinh công nghệ cao với 2 lựa chọn quy trình là Biofloc và Probiotic. Không những 100% không sử dụng kháng sinh, "VUS Bền Vững" còn tiết kiệm nước, hạn chế tối đa số lần thay nước và bảo vệ môi trường. Những trang trại nuôi tôm kiểu mới này không cần thiết phải thay nước mỗi ngày và xả thẳng ra môi trường như thói quen lâu nay, mà chỉ cần thay nước vài lần trong xuyên suốt một vụ nuôi cùng với hệ thống xử lý nước thải đầu ra thân thiện với tự nhiên.
Hướng đến việc tăng sinh kế, đảm bảo thu nhập cho người nông dân nuôi tôm quảng canh, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Bồ Ðề, Bạc Liêu đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cải tạo môi trường nuôi tôm bằng công nghệ sinh học Break all soild. Công nghệ này phục vụ cải tạo đất và nguồn nước bị ô nhiễm do quá trình canh tác lâu năm phụ thuộc vào phân bón vô cơ và các hóa chất độc hại trong thuốc bảo vệ thực vật; tái tạo môi trường, tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên và môi trường có lợi cho tôm, cá sinh trưởng, phát triển… Bồ Ðề cũng là đơn vị tích cực tham gia vào chương trình hợp tác với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX và nhiều địa phương có nghề nuôi tôm quảng canh trên cả nước trong đó có các địa phương ở ÐBSCL như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu... để thực hiện đề án "Chuyên nghiệp hóa người nông dân". Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Bồ Ðề, trước tác động của biến đổi khí hậu khiến việc canh tác tôm quảng canh tự nhiên ngày càng khó khăn. Do đó, khi tham gia thực hiện đề án "Chuyên nghiệp hóa người nông dân" công ty mong muốn góp phần hình thành cộng đồng sinh thái có trách nhiệm, tham gia liên kết trong chuỗi giá trị ngành tôm để tạo ra hệ sinh thái bền vững. Trong đó vai trò của HTX là nòng cốt, bởi nhờ HTX mới có thể tập trung hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn và phát huy được trách nhiệm cộng đồng cùng tham gia canh tác thân thiện với môi trường.
***
Các địa phương, doanh nghiệp trong vùng ÐBSCL đã nhận thức và bám sát định hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng. Hướng đi này sẽ tiếp tục làm nên bứt phá nếu nông nghiệp ÐBSCL bắt kịp xu thế, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững.
Bài 3: Nguồn năng lượng mới