25/07/2008 - 20:29

"Giấy thông hành" cho trái cây sang Mỹ

Sau thanh long, nhãn và chôm chôm đang chờ “giấy thông hành” xuất qua thị trường Mỹ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Kể từ năm 2006 đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “chạy đua” trong việc đào tạo nhân sự và hoàn tất bộ “Hồ sơ SPS” về khai báo nguy cơ nhiễm sâu bệnh hại và các biện pháp loại trừ để đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm cho 16 loại trái cây, đăng ký xuất khẩu sang Mỹ. Cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) đã nắm thông tin về tình hình sản xuất cây ăn trái tại Việt Nam, có 3 tuần thị sát vùng trồng một số loại trái cây có sản lượng lớn, trồng tập trung trên địa bàn cả nước. Đoàn cũng thị sát nhà máy diệt khuẩn thủy hải sản, trái cây, rau quả bằng chiếu xạ tia X của Công ty TNHH Sơn Sơn (TP Hồ Chí Minh); tham quan một số cơ sở đóng gói thanh long tại Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và đưa ra các yêu cầu chỉnh sửa để hoàn thiện một số chi tiết của các nhà máy, cơ sở đóng gói phù hợp yêu cầu công nghệ đóng gói trái cây xuất khẩu sang Mỹ. Những đề nghị chỉnh sửa thuộc phạm vi đóng gói thanh long và xử lý trứng ruồi đục trái, sâu bệnh hại trên trái cây và dụng cụ đóng gói. Những đề nghị chỉnh sửa này nhằm mục đích tránh lây nhiễm sâu bệnh hại từ khu vực sản xuất hoặc khu vực chứa trái cây chưa xử lý với khu vực đã xử lý và đưa vào bảo quản trong kho lạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Trước mắt phía Mỹ cơ bản chấp thuận cho trái thanh long vào danh sách có khả năng ký giấy phép nhập khẩu vào Mỹ. Sau thanh long có thể là nhãn, chôm chôm và trái vải.

Theo kinh nghiệm của các nước đã tham gia xuất khẩu nông sản vào Mỹ, thiết bị diệt khuẩn thủy hải sản, trái cây, rau quả bằng chiếu xạ tia X phải là “công nghệ Hoa Kỳ”. Theo kết quả khảo sát của đoàn, sau khi xây một bức tường ngăn cách hai khu vực nguyên liệu và thành phẩm, nhà máy chiếu xạ tia X của Công ty TNHH Sơn Sơn đã đáp ứng yêu cầu của APHIS. Toàn bộ các cơ sở đóng gói thanh long, kể cả các cơ sở được coi là “hiện đại nhất” của Bình Thuận cũng phải sửa chữa ít nhiều để đáp ứng quy trình vệ sinh, an toàn thực phẩm trong khâu đóng gói.

Về lĩnh vực sản xuất “nguyên liệu” thanh long (và các loại trái cây khác), muốn vào Mỹ chỉ có thể là thanh long được sản xuất theo quy trình GAP. Cụ thể với thanh long là mức sản lượng thu hoạch của 3 cơ sở sản xuất thanh long đã nhận được chứng nhận sản xuất thanh long EUREP GAP.

So sánh những yêu cầu sản xuất và đóng gói trái thanh long xuất khẩu vào Mỹ nêu trên, muốn tham gia, các địa phương, doanh nghiệp, nhà vườn cần nhanh chóng áp dụng quy trình sản xuất GAP trên đồng ruộng và áp dụng tiêu chuẩn Vệ sinh an toàn thực phẩm GMP, HACCP, thực hiện nhãn mác... như quy định của WTO hoặc tiêu chuẩn Việt Nam tương đương với tiêu chuẩn quốc tế qua đàm phán.

Khi đã có các yếu tố cần thiết kể trên, quan hệ giữa các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu giữa 2 nước bao giờ cũng đóng vai trò quyết định thành công các thương vụ trái cây và nông sản tươi. Thanh long và các trái cây tươi xuất khẩu luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và được trang bị phương tiện bảo quản hiện đại, chính xác trong quá trình vận chuyển vượt đại dương, vì thời gian bảo quản tươi từng loại trái luôn bị giới hạn bởi đặc tính sinh vật.

MINH TUẤN

Chia sẻ bài viết