|
Bắt giữ đường dây vận chuyển ma túy tại Mexico ngày 18-10. Ảnh: AP |
Tại phiên khai mạc hội nghị đánh giá tiến trình 10 năm thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống tội phạm xuyên quốc gia, hay còn gọi là Công ước Palermo, được tổ chức ở Thủ đô Vienne (Áo) ngày 18-10, Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) Yury Fedotov đã cảnh báo rằng các tổ chức tội phạm quốc tế đang giương vòi bạch tuộc hoạt động trên phạm vi toàn cầu bằng những phương thức chưa từng thấy, trong khi sự phản ứng của cộng đồng quốc tế chưa thật sự quyết liệt và hiệu quả. Nhà lãnh đạo người Nga nhấn mạnh giới tội phạm có tổ chức xuyên biên giới đã và đang tăng mạnh tại tất cả các khu vực trên hành tinh với “doanh thu” hàng năm lên đến hơn 120 tỉ USD, trong đó buôn bán ma túy vẫn là hoạt động đem lại cho chúng nguồn thu tài chính lớn nhất và nhanh nhất.
Theo số liệu của UNODC, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia mỗi năm đã thu lợi 72 tỉ USD nhờ buôn bán cocaine từ khu vực Andes đến Bắc Mỹ và châu Âu, 33 tỉ USD nhờ nguồn heroin từ Afghanistan qua thị trường Âu châu. Tính chung, buôn bán ma túy mang về cho các tổ chức tội phạm xuyên biên giới 105 tỉ USD/năm, tức mỗi ngày các tổ chức này thu được 280 triệu USD, hoặc 12 triệu USD/giờ, hay 200.000 USD/phút. Ngoài doanh thu từ ma túy, giới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia còn điều hành các hoạt động đưa người nhập cư bất hợp pháp từ Mỹ La-tinh đến Bắc Mỹ với “doanh thu” 6,6 tỉ USD/năm với trên 3 triệu lượt người. Buôn bán nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ từ Đông Nam Á qua Liên minh châu Âu và các nước châu Á khác cũng mang về cho các tổ chức tội phạm 3,5 tỉ USD. Nạn buôn người vì mục đích khai thác tình dục tại châu Âu cũng đem lại cho giới tội phạm có tổ chức quốc tế 3 tỉ USD/năm với 140.000 nạn nhân, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Chế tạo và buôn bán dược phẩm giả từ một số nước châu Á qua Đông Nam Á và châu Phi có giá trị 1,6 tỉ USD/năm. Tội phạm không gian mạng thì kiếm được mỗi năm 1 tỉ USD, chưa kể 250 triệu USD từ thị trường khiêu dâm trẻ em trên Internet. “Ngành công nghiệp” bắt cóc tống tiền, trong đó có hải tặc, cũng tạo ra nguồn thu 1 tỉ USD/năm cho các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, trong khi buôn lậu vũ khí cầm tay mỗi năm đem lại nguồn lợi cho các tổ chức này hơn 53 triệu USD.
Số tiền mà giới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thu được rõ ràng là khổng lồ. Và tác hại của các hoạt động phạm pháp như trên là khôn lường. Chẳng hạn, “doanh thu” của hoạt động ma túy có thể được “tái đầu tư” vào lĩnh vực kinh doanh bất hợp pháp, đặc biệt là tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Nạn buôn bán gỗ lậu sẽ gây ra làn sóng phá rừng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu. Còn dược phẩm giả thì đe dọa tính mạng của người bệnh...
Nhận thức được mối nguy hại của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế đã thông qua Công ước LHQ về chống tội phạm quốc tế hồi năm 2000 như là công cụ giúp dẫn độ và hỗ trợ pháp lý chống phá tội phạm. 157 nước đã phê chuẩn công ước này. Tuy nhiên, sự hợp tác của các nước thông qua văn kiện này chưa thật sự hiệu quả, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin tình báo, kiểm soát khu vực biên giới và tăng cường hoạt động điều tra chung. Ông Fedotov cho rằng giữa các nước cần có một hệ thống hợp tác quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng nhằm chặn đứng và triệt tiêu tận gốc đường dây tội phạm có tổ chức xuyên biên giới.
PHÚC GIA AN (Theo UNODC, AFP và TTXVN)