23/06/2021 - 15:38

Giám sát sức khỏe ở tuổi trung niên 

Khi bước vào độ tuổi trung niên (từ 45 đến 65), nhu cầu chăm sóc sức khỏe thay đổi, nên thói quen và sinh hoạt hàng ngày cũng cần thay đổi cho phù hợp. Theo các chuyên gia, một số điều chỉnh trong lối sống sau đây có thể giúp người trung niên bảo vệ sức khỏe tổng thể hiệu quả hơn.

Các bài tập căng duỗi giúp người tuổi trung niên duy trì sự dẻo dai cho cơ thể, cải thiện phạm vi chuyển động.

1. Chú ý các triệu chứng và chủ động tầm soát bệnh

Tiến sĩ Darren P. Mareiniss, chuyên gia y học cấp cứu tại Ðại học Thomas Jefferson (Mỹ), nhấn mạnh người trung niên phải luôn chú ý đến các triệu chứng cảnh báo bệnh tật, bởi phớt lờ các triệu chứng như giảm cân ngoài ý muốn, đi phân lẫn máu, đau ngực, phù bàn chân hoặc khó thở có thể bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán các bệnh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, người trung niên cũng cần chủ động thực hiện tầm soát các bệnh lý thường gặp ở độ tuổi này. Ví dụ, người từ 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng, phụ nữ trung niên cần tầm soát ung thư vú, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.

2. Ðể tâm đến giấc ngủ

Chất lượng giấc ngủ là một yếu tố quan trọng mà người trung niên cần quan tâm. Chẳng hạn, các triệu chứng như buồn ngủ vào ban ngày hoặc ngáy to có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Các biện pháp can thiệp thích hợp như dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) có thể giúp người mắc bệnh này phòng tránh những hậu quả lâu dài như suy tim và tăng huyết áp phổi.

3. Từ bỏ những thói quen không có lợi cho sức khỏe

Thói quen xấu có thể chuyển biến thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở tuổi trung niên. “Những thói quen như hút thuốc, uống rượu hằng ngày và lạm dụng thuốc tiếp tục gây ra các vấn đề sức khỏe ở tuổi trung niên. Ðối với người nghiện rượu, họ có thể bị xơ gan hoặc có vấn đề về phụ thuộc rượu nếu đột ngột ngừng uống. Còn người hút thuốc có khả năng phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính  (COPD), ung thư, tăng huyết áp hoặc bệnh động mạch vành” - Tiến sĩ Mareiniss cảnh báo.

Tương tự, Tiến sĩ Gbolahan Okubadejo - chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình và cột sống ở khu vực New York (Mỹ) - cho biết lối sống tĩnh tại có thể góp phần gây ra nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường tuýp 2, béo phì và tử vong sớm. Ít vận động còn làm giảm trao đổi chất, tổn thương khả năng điều chỉnh và kiểm soát đường huyết.

4. Thường xuyên giữ thẳng cơ thể

Theo chuyên gia Okubadejo, đứng/ngồi sai tư thế làm giảm khả năng vận động theo thời gian, đồng thời làm tăng áp lực lên phần hông gây cứng hông và đau đớn. Tư thế không đúng cũng làm tiêu hao năng lượng, khiến cơ bị hao mòn nhanh hơn. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm giảm khả năng giữ thăng bằng và lưu thông máu kém, cũng như đau cổ và đau lưng mãn tính. Trái lại, giữ thẳng cơ thể khi đứng/ngồi không chỉ ngăn ngừa những nguy cơ nói trên mà còn duy trì sự linh hoạt của xương khớp. 

5. Thực hiện các bài tập căng - duỗi cơ thể

Khi có tuổi, các gân và cơ dễ bị chấn thương hơn, nên việc luyện tập các bài tập kéo căng cơ thể sẽ giúp giảm nguy cơ chấn thương và cải thiện sự linh hoạt cho cơ thể. Các bài tập căng duỗi còn giúp cải thiện tư thế và giảm đau nhức cơ về lâu dài, cũng như có thể cải thiện phạm vi chuyển động cơ thể bằng cách giữ cho cơ khỏe mạnh, linh hoạt và mạnh mẽ, không bị căng và co rút lại. 

6. Tắm nắng

Duy trì sức khỏe xương tốt là điều cần thiết cho người lớn tuổi, nhằm làm giảm nguy cơ gãy xương. Phơi nắng sáng là biện pháp tự nhiên kích thích cơ thể tạo ra vitamin D - dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ xương vì nó giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn và ngăn ngừa xương bị biến dạng, mỏng hoặc giòn.

AN NHIÊN (Theo Eatthis.com) 

Chia sẻ bài viết