02/03/2018 - 07:40

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng từ chức 

Tình hình nhân sự Nhà Trắng tiếp tục biến động với thông báo từ chức của Giám đốc truyền thông Hope Hicks (ảnh), một trong những cố vấn thân cận và phục vụ lâu nhất bên cạnh Tổng thống Donald Trump.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Thông báo được công bố một ngày sau khi bà Hicks tham dự phiên điều trần gần 9 tiếng đồng hồ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Cơ quan này đang điều tra làm rõ việc êkíp tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 hay không. Tại đây, bà Hicks thừa nhận trong quá trình làm việc từng có lúc đưa ra  “những lời nói dối vô hại” nhưng khẳng định chưa bao giờ khai man trong tiến trình điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Một số phụ tá Nhà Trắng nhấn mạnh quyết định từ chức của Giám đốc truyền thông không liên quan phiên điều trần hôm 27-2. Nhật báo Phố Wall trích lời một quan chức Nhà Trắng cho biết bà Hicks những tuần gần đây đã nói với Tổng thống Trump về ý định rời chính quyền để khám phá các cơ hội bên ngoài. Nhưng cũng có thông tin tiết lộ nữ nhân viên xinh đẹp có thể đang chịu áp lực từ mối quan hệ tình cảm với cựu Thư ký Nhà Trắng Rob Porter, người đã từ chức giữa những cáo buộc bạo hành vợ cũ. Trong đó, bà Hicks bị cho đã soạn thảo tuyên bố bảo vệ ông Porter và khiến Tổng thống Trump lên tiếng trách cứ.

Trước khi bước vào chính trường, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng có mối quan hệ thân thiết với gia đình ông Trump trong gần 6 năm, từng hợp tác với con gái ông Trump là Ivanka và được tỉ phú New York chọn vào bộ phận PR của tập đoàn Trump Organization vào năm 2014, theo CNN. Không lâu sau, bà Hicks được ông Trump đề nghị gia nhập ban vận động tranh cử tổng thống với tư cách thư ký báo chí vào năm 2015. Tháng 9-2017, bà được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc truyền thông Nhà Trắng thay thế Anthony Scaramucci vốn bị ông Trump cách chức chỉ sau 10 ngày nắm giữ chức vụ. Tuy không có kinh nghiệm chính trị, nhưng cựu người mẫu 29 tuổi ngày càng chứng tỏ là nhân viên đáng tin cậy khi trở thành phụ tá làm việc lâu nhất cho ông Trump so với hàng loạt nhân vật kỳ cựu khác của Nhà Trắng đã bị sa thải hoặc từ chức.

Trường hợp gây chú ý đầu tiên là Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, từ chức sau 23 ngày làm việc khi các cuộc nói chuyện giữa ông và đại sứ Nga bị phanh phui. Người tiền nhiệm của bà Hicks, ông Scaramucci cũng gây xôn xao khi là Giám đốc truyền thông Nhà Trắng có thời gian làm việc ngắn nhất. Quyết định bổ nhiệm ông Scaramucci bị coi là nguyên nhân gây bất đồng, dẫn đến đơn từ chức của 2 nhân vật cấp cao khác là Thư ký báo chí Sean Spicer và Chánh Văn phòng Reince Priebus. Một trong những vụ sa thải ồn ào nhất phải kể đến là Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey với nguyên nhân bị cho liên quan cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ngoài ra còn một số tên tuổi khác gồm Giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort, quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, công tố viên liên bang New York Preet Bharara, Bộ trưởng Y tế Tom Price, Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe và nhân vật quyền lực thứ 3 tại Bộ Tư pháp Mỹ Rachel Brand cùng nhiều quan chức khác... Trong đó, nổi bật nhất là sự ra đi của cựu Chiến lược gia trưởng Steve Bannon – người từng được coi là “kiến trúc sư” cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết