Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Một số địa phương đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh, thành phố công nghiệp như: tỉnh Long An, TP Cần Thơ... Song, trên thực tế, năng lực cạnh tranh của các khu - cụm công nghiệp (K-CCN) vùng còn yếu. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là một yếu tố quyết định cho sự phát triển các K-CCN ở ĐBSCL...
THU HÚT ĐẦU TƯ TĂNG
Năm 1995, những KCN đầu tiên của vùng ĐBSCL hình thành như: KCN Trà Nóc I, KCN Mỹ Tho, KCN Sa Đéc, KCN Đức Hòa I và nay đã phát triển cả về số lượng lẫn quy mô. Toàn vùng hiện có 45 KCN (diện tích 15.252 ha), tập trung phần lớn ở tỉnh Long An (18 KCN), TP Cần Thơ (6 KCN), Đồng Tháp (5 KCN), Tiền Giang (4 KCN)... Trong đó, 31 KCN đang hoạt động trên diện tích 8.404 ha (chiếm 55% tổng diện tích KCN đã thành lập), tỷ lệ lấp đầy khoảng 28%; thu hút hơn 87.000 lao động làm việc. Địa phương có KCN lấp đầy cao gồm: Long An (575 ha), TP Cần Thơ (456 ha), Đồng Tháp (150 ha), Tiền Giang (74 ha)... Những KCN lấp đầy 100% diện tích và hoàn chỉnh hạ tầng như: KCN Trà Nóc I (TP Cần Thơ), khu CN Mỹ Tho (Tiền Giang). Một vài KCN lấp đầy 100% diện tích giai đoạn I và đang mở rộng giai đoạn II, III như: KCN Sa Đéc (Đồng Tháp); Đức Hòa I, Xuyên Á, Thuận Đạo, Tân Đức, Long Hậu, Nhựt Chánh (Long An); Hòa Phú (Vĩnh Long).
Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) các doanh nghiệp (DN) trong KCN đạt 11.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng gần 18% tổng GTSXCN toàn vùng; kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 13% giá trị xuất khẩu của vùng (đạt 536 triệu USD). Theo Ban quản lý (BQL) các KCN một số địa phương, năm 2008, thu hút đầu tư vào KCN có sự chuyển biến đáng kể. Tỉnh Long An và TP Cần Thơ có DN hoạt động nhiều nhất so với các địa phương khác trong khu vực. Năm 2008, Long An, thu hút 113 dự án (gồm 24 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn trên 262 triệu USD và 2.187 tỉ đồng vốn trong nước) tăng 116-120% so với năm 2007. Ông Phan Thành Phi, Trưởng BQL các KCN Long An, cho biết: “Tốc độ thu hút đầu tư năm 2008 nhanh hơn năm 2007, dự án quy mô lớn, đa dạng ngành nghề sản xuất. Hiện có 294 dự án đầu tư, gồm 107 dự án FDI vốn đăng ký hơn 1.062 triệu USD và 187 dự án trong nước vốn 6.292 tỉ đồng. Trong đó, 96 dự án (42 FDI) đang hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu của DN FDI khoảng 350 triệu USD, DN trong nước đạt 965 tỉ đồng năm 2008”. Theo ông Phi, khu vực DN FDI chiếm phần lớn trong doanh thu của KCN, vốn thực hiện đạt 178 triệu USD, tăng 52% so với năm 2007 và doanh thu tăng 37%, nộp ngân sách tăng 7% (4,7 triệu USD)...
 |
Sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty Niken ở KCN Đức Hòa III. |
Còn tại TP Cần Thơ, năm 2008 các KCN thu hút 23 dự án đầu tư (16 dự án mới và 7 dự án tăng vốn) vốn đăng ký hơn 689 triệu USD. Hiện 130 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu hơn 1,88 tỉ USD. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL các khu chế xuất và CN Cần Thơ, nhận xét: “Các DN chế biến thủy hải sản chiếm đa số trong KCN, dù thị trường xuất khẩu, giá cả nguyên liệu đầu vào biến động, nhưng vẫn ổn định và giữ vững giá trị sản xuất. Năm qua, doanh thu tăng 63% so với năm 2007, trong đó GTSXCN đạt 940 triệu USD, tăng 131%; xuất khẩu khoảng 574 triệu USD, tăng 113% ...”. Mặt khác, DN trong KCN nộp thuế 1.350 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2007 và thu hút 27.961 lao động làm việc trực tiếp. Thu hút đầu tư vào KCN năm nay vượt 14% kế hoạch năm và 170 dự án còn hiệu lực.
Ngoài ra, toàn vùng còn có 202 cụm, điểm công nghiệp, diện tích quy hoạch 30.570 ha. Trong đó, 93 CCN đang xây dựng hạ tầng và hoạt động, tập trung nhiều nhất ở Long An với 47 CCN (chiếm 23% tổng số CCN khu vực); tiếp đến là Đồng Tháp 30 CCN, Tiền Giang 26 CCN; Hậu Giang chỉ 4 CCN (chiếm 2%). Hiện có 27 CCN đang hoạt động trên diện tích 3.901ha (chiếm 13% trên diện tích quy hoạch), thu hút hơn 63.929 tỉ đồng vốn đầu tư và 109 dự án.
CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Theo nhận xét của các nhà đầu tư, K-CCN góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, chuyển dịch kinh tế, tạo việc làm, nhưng năng lực cạnh tranh của K-CCN ở ĐBSCL nhìn chung còn yếu kém. Việc hình thành K-CCN đa phần từ mối liên kết giữa cá nhân trong và ngoài nước làm nòng cốt thu hút đầu tư; hay từ tập đoàn kinh tế, hiệp hội. Như KCN Đức Hòa I (Long An) doanh nhân Đài Loan, KCN Giao Long (Bến Tre) DN Thái Lan làm nòng cốt mời gọi đầu tư; CCN khí điện đạm Cà Mau do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đầu tư; CCN Lợi Bình Nhơn (Long An) do chi hội điều Long An khởi xướng... Hầu hết K-CCN đa ngành nghề; trừ một số CCN được quy hoạch theo chuyên ngành như: CCN khí điện đạm Cà Mau, CCN nhựa (Long An), CCN Mỹ Quý chuyên chế biến thủy sản (An Giang)...
Thêm vào đó, mức vốn đầu tư của các dự án chưa cao, khoảng 9,9 triệu USD/dự án, bình quân 2,4 triệu USD/ha. Việc thu hút vốn FDI vào K-CCN rất thấp. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2008, toàn vùng ĐBSCL thu hút 76 dự án FDI, vốn đăng ký trên 3,37 tỉ USD. Dẫn đầu là tỉnh Long An với 63 dự án, kế đến TP Cần Thơ 4 dự án... Ngoài ra, dự án hoạt động trong K-CCN các ngành công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thức ăn gia súc chiếm trên 50% tổng số dự án. Ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động nhưng gia công là chính; công nghiệp khai thác, chế biến nông-lâm-thủy sản kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng thấp. Còn dự án quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại chỉ chiếm khoảng 5-6%; các ngành công nghệ cao (điện, điện tử, vật liệu mới) rất ít DN đầu tư.
Mối liên kết K-CCN giữa địa phương trong vùng ĐBSCL yếu, tách biệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. DN ít sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau nên không tạo ra giá trị trong chuỗi giá trị của K-CCN của vùng. Việc chưa sẵn sàng về đất đai và hạ tầng kỹ thuật cũng như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhà ở cho công nhân... còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực, năng lực xúc tiến đầu tư của địa phương đã làm hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư mới và đẩy nhanh tiến độ dự án đã cấp phép đầu tư.
Ông Phan Thành Phi, Trưởng BQL các KCN Long An, cho biết: “Năm 2008, dự án đầu tư vào KCN tăng, nhưng diện tích đất công nghiệp cho thuê lại chỉ hơn 168,2 ha; so với chỉ tiêu tăng thêm 500 ha đất/năm giao cho nhà đầu tư mà tỉnh đặt ra mới đạt 33,6%. Đến nay, diện tích cho thuê lại của KCN trong tỉnh khoảng 607,9 ha và mới san lấp mặt bằng hơn 1.455 ha. Năm 2008, Long An đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của 7 DN trong KCN Đức Hòa I, Xuyên Á và Tân Đức”. Theo quy hoạch, Long An hiện có 18 KCN, tổng diện tích hơn 6.646 ha với 34 DN đầu tư hạ tầng. Đến nay, chỉ 17/344 DN đầu tư hạ tầng đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, một số KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn I (Đức Hòa I, Xuyên Á, Thuận Đạo, Đức Hòa III).
Còn các KCN TP Cần Thơ đến nay chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đa phần DN hoạt động trong KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ của đơn vị. Theo BQL các khu chế xuất và CN Cần Thơ, trong 130 dự án đang hoạt động, hiện có 24 DN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải, 4 DN đang xây dựng, 6 DN chưa xây dựng. Năm qua, qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường có 19 DN gây ô nhiễm khí, mùi hôi; 9 DN gây tiếng ồn. Các K-CCN ở tỉnh Vĩnh Long cũng tồn tại nhiều bất cập, chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, chưa gắn kết định hướng phát triển ngành, bình quân san lấp mặt bằng 1 ha đất CN ở Vĩnh Long phải đầu tư 1,8- 2 tỉ đồng...
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Hiện tại, Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ cùng đơn vị tư vấn CES (Đức) đang thực hiện các thủ tục về vay vốn ưu đãi 11,4 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN Trà Nóc I và II (TP Cần Thơ), công suất 10.000m3/ngày đêm sẽ khởi công vào cuối 2009. Long An có 5 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các KCN tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải; ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Vĩnh Long đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp chiếm 40% trong GDP của tỉnh và giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành CN-TTCN chiếm trên 50% cơ cấu hàng hóa xuất khẩu...
Giai đoạn 2006-2010, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, cụ thể các ngành phi nông nghiệp chiếm khoảng 64% vào năm 2010. Do đó, nhiệm vụ đề ra cho ngành CN là khá lớn nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra, vừa tạo điều kiện cho phát triển CN theo hướng bền vững. Các sản phẩm từ CN chế biến của vùng ĐBSCL có thế mạnh nhất cả nước, nguồn lao động dồi dào, giá nhân công tương đối rẻ so với vùng Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh... là yếu tố thuận lợi để phát triển K-CCN vùng.
Vừa qua, tại Hội nghị ngành Công thương các tỉnh ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Trà Vinh, có rất nhiều ý kiến đóng góp của địa phương cho các bộ, ngành Trung ương về giải pháp phát triển bền vững K-CCN. Hiện tại, cần tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các K-CCN đã thành lập, không để tình trạng dành đất quá lâu và có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong đền bù, giải tỏa. Phát triển K-CCN phải quan tâm hai vấn đề: xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ; trong đó, hạ tầng là cơ bản. Mặt khác, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng bên ngoài và bên trong K-CCN, kết nối chặt chẽ với cung ứng nguyên liệu, xuất nhập khẩu và các trung tâm tiêu thụ. Quy hoạch nhà ở cho công nhân cần nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư xây dựng và chú trọng đào tạo nghề. Ngoài ra, K-CCN và DN phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống chung. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh xây dựng quy chế quản lý các CCN để thống nhất quản lý nhà nước đối với các CCN trên phạm vi cả nước.
Theo quy hoạch, nhu cầu phát triển K-CCN của từng địa phương trong vùng ĐBSCL khá lớn, nhưng việc tổ chức thực hiện cần phải cân nhắc về nguồn vốn và đối tượng đầu tư. Để mở rộng và phát huy hiệu quả K-CCN góp phần chuyển dịch kinh tế, tạo việc làm... đòi hỏi sự năng động và linh hoạt của từng địa phương dựa vào ưu thế để mời gọi đầu tư.
Bài, ảnh: GIA BẢO