10/10/2011 - 21:45

Giá phân bón "leo thang"

Giá nhiều loại phân bón những tháng gần đây liên tục nhích lên và hiện ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm 2011 đến nay. Nông dân, đặc biệt là nhà vườn trồng cây ăn trái, đang lo lắng vì phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... tăng vùn vụt, trong khi trái cây lại rớt giá thê thảm...

Giá tăng mạnh

Nông dân trồng chanh ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, đang bán chanh cho thương lái. 

Đầu năm 2011 giá phân bón ở mức không quá cao, nhưng sau đó liên tục nhích lên và đạt mức giá khá cao vào tháng 3-2011. Giá phân bón giảm trở lại sau đó, nhưng từ giữa tháng 5-2011 liên tục có những đợt điều chỉnh tăng và tại thời điểm này đã đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Nếu như đầu năm 2011, giá các loại phân Urê (Trung Quốc, Phú Mỹ, Indonesia...) chỉ ở mức 400.000-430.000 đồng/bao và tăng lên 510.000-520.000 đồng/bao vào thời điểm cuối tháng 3-2011, tháng 5 giảm còn ở mức 460.000-480.000 đồng/bao nhưng đến đầu tháng 10-2011 đã tăng lên 600.000-650.000 đồng/bao. Giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ vào đầu năm 2011 khoảng 700.000- 710.000 đồng/bao, nhưng đến nay đã ở mức 840.000-850.000 đồng/bao. Sau nhiều tháng có biến động tăng, hiện giá nhiều loại phân NPK, phân kali, lân... cũng đã tăng từ 100.000-170.000 đồng/bao so với hồi đầu năm 2011. Hiện giá bán lẻ phân NPK 20-20- 15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay (loại cao cấp) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở mức 820.000-850.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật: 650.000 đồng/bao, kali: 700.000 đồng/bao... Theo chủ nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón ở TP Cần Thơ, giá phân bón trong nước đang tăng mạnh do nguồn cung nhiều loại phân bón trong nước còn phụ thuộc vào các loại nguyên liệu và phân bón nhập khẩu. Gần đây giá phân bón trên thế giới có biến động tăng cao. Các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước cũng tăng.

Nhà vườn trồng cây ăn trái gặp khó

Theo nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán 2011 đến nay, giá nhiều loại trái cây đã bị rớt thê thảm và khó tiêu thụ. Hiện giá nhiều loại trái cây như: cóc, chôm chôm, chanh, đu đủ... đã giảm xuống chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg, thậm chí có một số loại trái cây (như ổi) giá chỉ còn 300 đồng/kg vào thời điểm cách nay 1 tháng. Hiện giá ổi đã tăng trở lại nhưng vẫn còn rất rẻ, chỉ 1.000 đồng/kg. Tính ra, nhà vườn phải bán ít nhất khoảng 12-13 kg ổi mới có thể mua được 1kg gạo hay 1 kg phân Urê và bán khoảng 16-17 kg ổi mới mua được 1 kg DAP.

Bà nguyễn Thị Dung ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: “Không chỉ giá phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật tăng cao mà giá điện, xăng dầu, tiền thuê nhân công, mua dây thun và bọc ni lông để bao trái ổi đều tăng. Nhưng ổi lại quá rẻ 1.000 đồng/kg, với giá này nhà vườn đang bị lỗ nặng và hầu như vô vọng trong việc tái đầu tư mua phân bón cho vườn ổi mùa sau”. Anh Nguyễn Hữu Bền ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, đang trồng 2 công chanh, chua chát nói: “Cùng kỳ năm rồi, chanh tàu có giá 15.000-17.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chanh loại tốt nhất cũng chỉ có thể bán cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg. 2 công chanh của tôi mỗi đợt hái 200-300 kg, với giá hiện nay tôi chỉ được 600.000-900.000 đồng chỉ mua nổi 1 bao phân. Trong khi muốn duy trì vườn chanh tươi tốt và xử lý cho ra trái cần khoảng 2 bao phân bón cho chanh, chưa kể các loại thuốc bảo vệ thực vật”. Ông Nguyễn Ngọc Khải, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Phong Điền, cho biết: “Khi giá nhiều loại trái cây bị giảm mạnh, sức tiêu thụ phân bón tại cửa hàng cũng giảm. Nhiều nhà vườn đã tạm thời không còn mua phân bón hoặc chỉ mua với số lượng khá ít để bón “cầm kha” cho vườn cây của mình”.

Theo ông Phạm Hữu Lộc ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, trồng cây ăn trái, chi phí đầu tư phân thuốc tính ra cao hơn nhiều so với trồng lúa trong khi nhà vườn chưa thực hiện các chương trình “3 giảm, 3 tăng” mạnh mẽ như trong sản xuất lúa. Khi giá phân thuốc tăng cao, trái cây rớt giá đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nhà vườn. Do vậy, nhà vườn rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc tập huấn kỹ thuật, định hướng sản xuất và quy hoạch phát triển các loại cây ăn trái gắn với nhu cầu thị trường và thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, ngành chức năng cần phải có biện pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để bình ổn thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết