Vùng ĐBSCL đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm nên sức mua các loại phân bón trên thị trường giảm mạnh. Hiện giá một số loại phân bón cũng đã giảm đáng kể so với trước, nhất là phân đạm. Song, nhìn chung giá hầu hết các loại phân bón vẫn giữ ở mức cao so với các năm trước...
Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ mua phân bón phục vụ trồng trọt.
Nhiều nông dân cho biết, gần đây giá phân bón có giảm so với những tháng trước, đặc biệt giá phân đạm (Urê) đã giảm 30.000-40.000 đồng/bao (50kg). Song, cũng có nhiều loại phân như DAP, NPK... vẫn tiếp tục ổn định ở mức giá cao.
Ông Nguyễn Văn Hồng nông dân sản xuất lúa ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Lúa vụ thu đông 2024 trên địa bàn TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã và sắp bước vào thu hoạch. Nhiều nông dân trồng lúa không còn nhu cầu mua phân bón cho lúa nữa nên sức mua giảm.
Theo đó, gần đây giá một số loại Urê đã giảm lên đến vài chục ngàn đồng mỗi bao. Tuy nhiên, do thời gian qua giá Urê và nhiều loại phân đã tăng lên ở mức rất cao nên nhìn chung giá hầu hết các loại phân bón vẫn đang ở mức cao, như giá nhiều loại DAP vẫn hơn 1 triệu đồng/bao".
Theo anh Cao Đàm Hữu Trị ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, gia đình anh có 7 công đất trồng cây ăn trái. Gần đây, bước vào các tháng cao điểm mùa mưa lũ, gia đình anh và bà con tại địa phương tạm thời hạn chế bón phân cho vườn cây. Dù vậy, anh vẫn theo dõi tình hình giá phân bón và nhận thấy giá nhiều loại phân bón đều có xu hướng bình ổn và có giảm so với trước, nhất là mặt hàng Urê. Song, nếu so với các năm trước, giá Urê vẫn còn cao.
Hiện một số loại Urê có giá lên đến 530.000-540.000 đồng/bao, trong khi năm 2023 nhiều thời điểm giá chỉ 460.000-470.000 đồng/bao, còn các năm trước đó giá càng thấp hơn. Rất mong tới đây giá phân bón được điều chỉnh giảm để nông dân giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo sản xuất có lời.
Trên thực tế, gần đây giá nhiều loại phân bón Urê trên thị trường có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng bởi giá và sức mua trên thị trường thế giới giảm. Hiện sức tiêu thụ phân bón tại vùng ĐBSCL cũng giảm vì lúa thu đông 2024 tại nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn làm đòng đến chắc xanh, chín và thu hoạch, nông dân không còn nhu cầu mua phân bón. Bên cạnh đó, do bước vào cao điểm mùa mưa lũ, nông cũng giảm bón phân cho cây ăn trái, rau màu và nhiều loại cây trồng khác, từ đó sức mua giảm.
Giá nhiều loại phân đạm như đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ, đạm Ninh Bình và Urê nhập khẩu từ Trung Quốc đang được bán lẻ tại nhiều nơi ở mức 500.000-540.000 đồng/bao, trong khi trước đây ở mức 520.000-580.000 đồng/kg. Giá Urê giảm do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu phân bón trong nước và nhập khẩu. Hiện Urê cũng là mặt hàng mà các đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tự chủ sản xuất với sản lượng hằng năm rất lớn và có dư để xuất khẩu. Riêng phân Kali còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu hoặc các doanh nghiệp trong nước phải nhập nguyên liệu về để sản xuất nhưng gần đây giá cũng có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào.
Hiện nhiều loại DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc và Philippines ở mức 1.100.000-1.300.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc hạt xanh ở mức 950.000-1.000.000 đồng/bao. DAP Trung Quốc loại hạt vàng và DAP Nga loại hạt xanh có giá 930.000-960.000 đồng/bao, DAP Đình Vũ 780.000-800.000 đồng/bao. Giá phân NPK 20-20-15 Ba Con Cò và NPK 20-20-15 Sông Gianh ở mức 870.000-920.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 TE Bình Điền ở mức 1.050.000-1.100.000 đồng/bao...
Anh Huỳnh Văn Hậu, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Huỳnh Hậu ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Do sức mua đang yếu và xu hướng giá phân còn giảm nên gần đây cửa hàng không lấy thêm nhiều mà chờ gần tới vụ lúa đông xuân 2024-2025 mới nhập hàng về bán. Qua thực tế nhiều năm cho thấy, giá và sức mua nhiều loại phân bón thường giảm mạnh khi bước vào các tháng cao điểm mùa mưa lũ. Với tình hình nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều loại phân bón trong nước và phân nhập khẩu, dự báo tới đây giá Urê và một số loại phân khác có khả năng còn giảm".
Trước tình hình giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao, thời gian qua ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã tăng cường khuyến cáo và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cũng như quản lý dịch hại bằng các biện pháp tổng hợp. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón hóa học và các loại thuốc hóa học.
Đặc biệt, đối với sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân áp dụng các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", thực hiện gieo cấy lúa chính xác bằng máy kết hợp với bón vùi phân... để tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực hiện các khuyến cáo của ngành chức năng, hiện nhiều nông dân không chỉ tăng cường các giải pháp nhằm sử dụng phân bón một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất mà còn đẩy mạnh sử dụng các loại phân bón hữu cơ để giảm sử dụng phân hóa học có giá cao.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG