20/05/2012 - 19:23

G-8 hợp sức hỗ trợ Hy Lạp và giải quyết vấn đề tài chính

Giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eurozone là trọng tâm của cuộc họp G-8. Ảnh: Telegraph 

Kết thúc hội nghị cấp cao diễn ra từ ngày 18 đến 19-5 tại Mỹ, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) đã ủng hộ các nỗ lực giúp Hy Lạp tiếp tục ở lại Khu vực đồng euro (Eurozone) và cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đối phó với tình trạng kinh tế toàn cầu rối loạn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Lãnh đạo các nước châu Âu tỏ ra nhiệt thành khi nhấn mạnh họ sẽ kiên định lập trường bảo vệ các ngân hàng của mình sau khi có thông tin về các khoản nợ xấu đang leo thang và gây lo ngại rằng hàng loạt các ngân hàng Tây Ban Nha bị đánh giá rớt hạng tín nhiệm sẽ làm phá sản nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone. Trước khủng hoảng kinh tế, chính trị tại Hy Lạp và những lo ngại về sự không ổn định của Tây Ban Nha và Ý, các lãnh đạo G-8 cố gắng xoa dịu tình hình và hạn chế những bất đồng về giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng ở Eurozone

Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể để “giải cứu” Athens ra khỏi cuộc khủng hoảng đang trở nên trầm trọng, các nhà lãnh đạo yêu cầu Hy Lạp mau chóng thực thi các điều kiện về hạn chế thâm hụt ngân sách để có gói cứu trợ cải cách tài chính khổng lồ. Hội nghị nhất trí về tầm quan trọng của một Eurozone hùng mạnh và đoàn kết đối với sự ổn định và phục hồi toàn cầu. Các nước G-8 cũng tái khẳng định về lợi ích của mình khi giữ Hy Lạp trong Eurozone và “tôn trọng những cam kết của nước này” về sử dụng ngân sách.

Trong thông cáo kinh tế chung, các nước G-8 thống nhất ủng hộ việc “dung hòa” giữa chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu do Thủ tướng Đức Angela Merkel khởi xướng và biện pháp kích thích tăng trưởng do Mỹ đề xuất. Thay vì chỉ áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu hà khắc, hội nghị nhận thấy sự cần thiết phải kết hợp quy tắc tăng ngân sách trong chiến lược phát triển. Dòng đầu tiên của thông cáo chung ghi rõ G-8 tán thành kêu gọi mở rộng tập trung của châu Âu vượt ra khỏi “vành đai an toàn” do Đức hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng là điều “bắt buộc” của các nước. “Tăng trưởng và tạo việc làm phải là ưu tiên hàng đầu” - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói và khẳng định châu Âu có đủ khả năng để đối mặt với thách thức này. Thông điệp chung từ hội nghị do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì cho thấy sự lo ngại của ông chủ Nhà Trắng về tầm ảnh hưởng lan truyền của cơn khủng hoảng nợ tại Eurozone, không chỉ đe dọa tương lai của khối liên minh tiền tệ 17 nước châu Âu mà còn có thể tổn hại đến sự phục hồi kinh tế “dễ vỡ” của Mỹ và cơ hội tái đắc cử của ông Obama trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Liên quan đến vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Mỹ còn đưa ra thông điệp “cứng rắn” với chương trình hạt nhân của Iran khi tuyên bố sẽ áp đặt lệnh cấm vận nghiêm khắc hơn với dầu mỏ của Tehran. Lãnh đạo G-8 cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường dầu mỏ, sẵn sàng tăng nguồn cung cấp dầu cho các thị trường và phối hợp để hạ giá dầu thô nếu cần thiết. Hội nghị cũng khẳng định Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cần có hành động đáp lại “những động thái được coi là khiêu khích” của CHDCND Triều Tiên gây phương hại cho ổn định khu vực, như các vụ phóng vệ tinh và thử hạt nhân. Về Myanmar, tuyên bố của hội nghị hoan nghênh “những nỗ lực đáng kể” của Tổng thống U Thein Sein và thủ lĩnh đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi cải cách dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời cam kết ủng hộ những sáng kiến tại Myanmar, đặc biệt là các sáng kiến tập trung vào hòa bình, hòa giải dân tộc và củng cố nền dân chủ. Tuyên bố còn kêu gọi chính phủ Syrie và các phe phái tại quốc gia Trung Đông này lập tức thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn A-rập Kofi Annan. Các nhà lãnh đạo hối thúc Syrie chấm dứt mọi hình thức bạo lực, mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện do chính người Syrie đứng đầu.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết