28/01/2021 - 19:25

EU bức xúc vì chậm nhận vaccine 

Sau cuộc họp hôm 27-1, Liên minh châu Âu (EU) và Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) đã không đạt được bước đột phá trong việc đẩy nhanh tiến độ giao vaccine ngừa COVID-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson mang thùng vaccine của AstraZeneca. EU nghi ngờ Anh được ưu tiên nhận vaccine từ hãng này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson mang thùng vaccine của AstraZeneca. EU nghi ngờ Anh được ưu tiên nhận vaccine từ hãng này.

EU thúc giục AstraZeneca cung cấp nhiều vaccine hơn từ các nhà máy được đặt ở châu Âu sau khi hãng này thông báo việc giao hàng sẽ bị chậm, làm tăng thêm sự thất vọng về chương trình tiêm chủng của khối.

Trước đó, EU đề nghị AstraZeneca công bố hợp đồng đã ký về việc cung cấp vaccine. Theo hợp đồng, Brussels đặt mua trước ít nhất 300 triệu liều vaccine của AstraZeneca, sau khi sản phẩm này được phê duyệt. Ðó là một phần trong kế hoạch của EU mua hơn 2 tỉ liều vaccine từ nhiều hãng khác nhau cho 27 quốc gia thành viên với khoảng 450 triệu dân. Tuy nhiên, AstraZeneca tuần rồi thông báo sẽ cắt giảm nguồn cung cho EU trong quý I/2021. Lý do là vấn đề phát sinh tại một nhà máy ở Bỉ, khiến nguồn cung vaccine của AstraZeneca bị giảm tới 60% xuống còn 31 triệu liều.

AstraZeneca giải thích rằng mỗi chuỗi cung ứng có nguyên vật liệu và được đầu tư từ những nước hoặc tổ chức quốc tế cụ thể dựa trên từng thỏa thuận, bao gồm thỏa thuận với Ủy ban châu Âu. Do đó, lượng vaccine được sản xuất sẽ chỉ tập trung cho các nước, khu vực liên quan và tận dụng dây chuyền sản xuất tại địa phương. Giám đốc điều hành (CEO) AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết hợp đồng của họ với EU dựa trên điều khoản “nỗ lực hết sức” và AstraZeneca không bị ràng buộc phải thực hiện chuyển giao vaccine theo lịch trình cụ thể.

Dù vậy, nhiều nước EU vẫn bất bình trước việc AstraZeneca chậm giao hàng. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics thậm chí cho rằng các nước thành viên EU có thể cùng nhau kiện hãng dược này. EU còn dự định theo dấu vận chuyển vaccine của AstraZeneca tới các quốc gia khác không phải thành viên EU, động thái cho thấy Brussels ngày càng mất lòng tin. Ðáp lại, ông Soriot khẳng định AstraZeneca không bán những liều vaccine mà EU đã đặt hàng cho các quốc gia khác để kiếm lời. Theo vị này, các chính phủ châu Âu phản ứng ngày càng cảm tính do kế hoạch triển khai tiêm chủng mở rộng liên tiếp gặp trở ngại. Tốc độ triển khai tiêm chủng của EU bị đánh giá chậm hơn Mỹ và Anh khi chỉ thực hiện được 2,2 mũi/100 người.

Việc chậm trễ bàn giao vaccine đã khiến giới chức y tế tại những vùng giàu có nhất của Tây Ban Nha là Madrid và Catalonia phải ngừng tiêm chủng cho người dân, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba đang hoành hành. Trong khi đó, một nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 của AstraZeneca ở Anh đã phải sơ tán hôm 27-1 sau khi phát hiện một gói đồ khả nghi. Ðơn vị rà phá bom của cảnh sát sau đó đã có mặt tại hiện trường làm nhiệm vụ.

Ðến nay, châu Âu ghi nhận gần 30 triệu ca nhiễm COVID-19 với hơn 680.000 người tử vong.

Ngày 28-1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của  AstraZeneca. Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc FDA Rolando Enrique khẳng định dựa trên những bằng chứng được ghi nhận cho tới nay, cơ quan này tin tưởng vaccine AstraZeneca có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19, với những lợi ích đã được kiểm định và tiềm năng lớn hơn nhiều so với những nguy cơ tiềm ẩn. Đây là loại vaccine thứ hai được cấp phép tại quốc gia Đông Nam Á này. Trước đó, ngày 14-1, FDA Philippines đã cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức).

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết