04/05/2009 - 10:31

Trung Quốc:

Đường vào tù của những “người hùng”

Nhật báo Apple của Hồng Công cho biết Hoàng Quang Ngọc, một trong những tỉ phú giàu nhất Trung Quốc, mới đây đã tìm cách tự tử (nhưng bất thành) sau gần 6 tháng bị giam giữ để điều tra về cáo buộc thao túng giá cổ phiếu. Vụ án liên quan đến nhân vật này đang gây chấn động dư luận Trung Quốc khi một số quan chức cấp cao sa lưới pháp luật trong vài tháng qua.

Đi lên từ tay trắng

4 năm trước, tờ Time đã phát hiện và không tiếc lời ca ngợi sự thành công kinh ngạc của chàng trai “từ quê lên tỉnh” Hoàng Quang Ngọc. Time viết: “Hoàng là câu chuyện cổ tích về sự phất lên của người Trung Quốc”. Năm 1986, mới học hết lớp 9 lúc 16 tuổi, Hoàng cùng cha rời quê nhà ở thành phố Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông) lên Bắc Kinh với số vốn lận lưng chỉ có 500 USD. Ban đầu Hoàng bán rong các loại radio, đồng hồ và đồ dùng mua từ các xí nghiệp ở gần Sán Đầu chứ không đủ tiền mở cửa hàng. May mắn sau đó, Hoàng vay ngân hàng được 3.500 USD để mở một cửa hàng điện máy “hè phố”.

Việc kinh doanh của Hoàng phất lên nhanh chóng, một phần nhờ lợi thế giá rẻ do lấy hàng từ gốc, một phần do nhu cầu đồ điện máy tăng mạnh khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu cất cánh. Bán được nhiều hàng, Hoàng bắt đầu phát triển quy mô và thành lập tập đoàn kinh doanh điện máy Gome năm 1990. Sau 15 năm hoạt động, Gome trở thành nhà cung cấp hàng điện tử dân dụng lớn nhất với 420 cửa hàng, chiếm tới 1/3 thị phần thị trường Trung Quốc. Ở tuổi 35, Hoàng đã có tài sản cá nhân lên tới 1,7 tỉ USD, trở thành “người hùng” trong lĩnh vực kinh doanh (Hoàng từng được bầu chọn là doanh nhân tiêu biểu của Trung Quốc).

Từ trái sang: Hoàng Quang Ngọc, Zheng Shaodong và Chen Shaoji lúc còn tại chức.

Rồi... rơi tự do

Trở thành tỉ phú khi còn rất trẻ, nhưng Hoàng không muốn dừng lại ở đó. Từ lúc Gome được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Công, thì Hoàng bị cuốn vào việc kinh doanh cổ phiếu. Hoàng đã cùng với một đối tác lập ra tập đoàn China Eagle Investment để chuyên kinh doanh chứng khoán trên thị trường Hồng Công. Công việc này đã dẫn tới ngày 19-11-2008 khi Hoàng tra tay vào còng vì bị nghi ngờ thao túng thị trường cổ phiếu. Hoàng còn bị cáo buộc liên quan tới vụ tăng giá trái phép cổ phiếu công ty dược phẩm Shandong Jintai của người anh trai tại sàn giao dịch Thượng Hải. Ngày 24-11-2008, cổ phiếu của Gome cũng ngừng giao dịch (hơn 1.300 cửa hàng với khoảng 300.000 nhân viên của tập đoàn vẫn hoạt động bình thường). Khi bị bắt tài sản của Hoàng đã lên tới hơn 6,3 tỉ USD.

Đó không phải lần đầu tiên Hoàng bị nghi ngờ về gian lận tài chính. Năm 2006, Hoàng từng bị cáo buộc liên quan tới những khoản vay bất hợp pháp của Ngân hàng Trung Quốc, nhưng được tuyên trắng án. Lần này, vụ án được đưa lên Bộ Công an để điều tra tận gốc, dẫn tới việc một số quan chức cấp cao phải đối mặt với vòng lao lý.

Kéo theo những “người hùng” khác

Liên quan tới vụ án Hoàng Quang Ngọc, báo giới Trung Quốc cho biết có ít nhất 4 quan chức cấp cao đang bị điều tra. Theo thông tin ban đầu, 4 người này đã giúp Hoàng rửa tiền và nhận hối lộ để bao che các hành vi phạm tội.

Đó là Zheng Shaodong, Thứ trưởng Công an; Xiagn Huaizhu, Cục phó Cục điều tra tội phạm kinh tế Bộ Công an; Chen Shaoji, Chủ tịch Ủy ban hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tỉnh Quảng Đông và Wang Huayuan, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Chiết Giang. Trong 4 quan chức này, Chen Shaoji (trước đây làm giám đốc Công an tỉnh Quảng Đông) và Zheng Shaodong từng được xem là “người hùng” của ngành cảnh sát Trung Quốc sau khi phá thành công vụ án bắt cóc Victor Lý, con trai lớn của tỉ phú giàu nhất châu Á Lý Gia Thành hồi thập niên 1990.

N.MINH
(Theo Guardian, Times, THX)

N.MINH (Theo Guardian, Times, THX)

Chia sẻ bài viết