16/01/2018 - 16:01

Đức - Pháp sẽ “đụng độ” ông Trump tại Davos? 

Diễn ra từ ngày 23 đến 26-1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 48 tại Davos (Thụy Sĩ) được dự đoán sẽ chứng kiến màn “đối đầu” quan điểm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel tại hội nghị thượng đỉnh EU năm ngoái. Ảnh: Reuters

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới bị phân rẽ”, WEF 2018 thu hút khoảng 60 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tham gia. Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của Thủ tướng Merkel trên sân khấu chính trị thế giới kể từ cuộc bầu cử quốc hội liên bang tháng 9 năm ngoái. Tuần rồi, phát ngôn viên của bà Merkel vẫn còn tránh các câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Đức có hay không tham dự hội nghị thường niên tập trung nhiều nhân vật quyền lực chính trị, giới tinh hoa tài chính và những người nổi tiếng tại Thụy Sĩ. Nhưng với tín hiệu lạc quan trong đàm phán lập chính phủ liên minh, nhiều khả năng bà Merkel sẽ xuất hiện tại WEF 2018 sau hai năm liên tiếp vắng mặt.

Trong khi đó, sự hiện diện của Tổng thống Trump tại Davos cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm tham dự WEF kể từ năm 2000. Cùng góp mặt còn có con rể ông Trump là cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Ngoại trưởng Rex Tillerson và nhiều quan chức khác. Theo kế hoạch, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu vào ngày cuối cùng diễn ra hội nghị. Đây được cho là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Thủ tướng Merkel nếu tham gia sẽ có dịp cùng Tổng thống Macron tái khẳng định cam kết cải cách Liên minh châu Âu (EU) sau sự ra đi của nước Anh cũng như bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ trước chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump và bà Merkel thường xuyên chỉ trích nhau về chính sách nhập cư, thương mại và chống biến đổi khí hậu. Nữ Thủ tướng Đức được truyền thông phương Tây coi là “người bảo vệ cuối cùng các giá trị dân chủ tự do” sau chiến thắng của tỉ phú New York. Trong khi đó, Tổng thống Macron với chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ủng hộ EU, ủng hộ tự do thương mại và người nhập cư được ví như đồng minh mạnh mẽ của Thủ tướng Đức trong cuộc đối đầu với lãnh đạo Mỹ.

Với cục diện này, giới quan sát cho rằng WEF 2018 có thể biến thành “đấu trường” giữa chủ trương bảo hộ và chống toàn cầu hóa của Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo mang đến thông điệp về sự cởi mở, đoàn kết và bảo vệ các giá trị tự do. Trong đó, sự xuất hiện của Thủ tướng Đức Merkel bên cạnh Tổng thống Pháp Macron được xem là lực lượng đối trọng chính trước bất kỳ chính sách, hành động và tuyên bố nào của Tổng thống Trump. Theo giới quan sát, việc lãnh đạo hai nền kinh tế trụ cột châu Âu chia sẻ quan điểm trên mặt trận “chống Trump” sẽ gởi đi một tín hiệu mạnh mẽ, rằng khu vực này sẽ dẫn đầu thậm chí hạn chế ảnh hưởng của Tổng thống Trump cũng như Washington trên trường quốc tế.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết