10/06/2011 - 21:16

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ

Đưa vào phẫu thuật viêm ruột thừa cho bệnh nhi bằng nội soi

Cuối tháng 5-2011, ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi (PTNS) viêm ruột thừa cho các bác sĩ ở khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Đây là một bước tiến, đánh dấu sự tiến bộ của phẫu thuật ngoại nhi ở TP Cần Thơ.

Bác sĩ Trần Văn Dễ thăm khám cho bệnh nhi sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa bằng nội soi. 

Chị Trần Thị Thum ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, kể: “Sáng 1-6, con tôi than đau bụng. Tôi cũng tưởng là bình thường nên đi làm vườn. Trưa về, thấy cháu vẫn còn đau, tôi mới chở cháu ra trạm y tế, rồi trạm chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm ruột thừa và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vào chiều 2-6. Ngay sau đó, cháu được siêu âm, xét nghiệm rồi bác sĩ phẫu thuật luôn. Mới hơn 1 ngày phẫu thuật nhưng cháu rất tỉnh táo, không than đau nên tôi rất mừng”. Chị Thum vạch bụng con chỉ cho chúng tôi rồi nói: “Là con gái nên tôi cũng sợ cháu phẫu thuật xong để lại thẹo nhưng được bác sĩ PTNS nên trên bụng cháu chỉ có 3 lỗ nhỏ như hạt đậu”.

Trước đây, do chưa có bộ dụng cụ mổ nội soi và chưa được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nên Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ không thể triển khai mổ bằng kỹ thuật nội soi. Mới đây, bệnh viện được trang bị bộ dụng cụ PTNS hiện đại, do dự án hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL trang bị. Đây là phẫu thuật mới, thêm vào đó, trong PTNS , gây mê, hồi sức phức tạp nhất. Vì hệ hô hấp và tuần hoàn của các cháu bé rất phức tạp, dễ bị ảnh hưởng bởi lượng thuốc mê, sức chịu đựng cũng kém hơn người lớn, vì thế, bệnh viện đã cử ê kíp bác sĩ, kỹ thuật viên dụng cụ đi học về gây mê, PTNS, sử dụng bộ dụng cụ PTNS tại các bệnh viện: Nhi Đồng I TP Hồ Chí Minh, Đa Khoa TP Cần Thơ, Đa Khoa Trung ương Cần Thơ.

Đối với bệnh lý viêm ruột thừa, trẻ đến nhập viện thường muộn do bé không xác định được kiểu đau, chủ yếu quấy khóc, phụ huynh lại không nghĩ đến bệnh lý này. Thêm nữa, bệnh lý này thường bị nhầm lẫn với tiêu chảy nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun (lãi), sốt xuất huyết... Để nhận biết trẻ bị viêm ruột thừa, cần phải hỏi bệnh sử kỹ, khám nhiều lần bởi bác sĩ chuyên khoa nhi, kết hợp cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm.

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Với bệnh viêm ruột thừa, đặc biệt đã có mủ, PTNS rất tốt vì có camera phóng đại và quan sát kỹ tổn thương, bác sĩ có thể lấy hết mủ và dịch. Trước đây, có vài trường hợp viêm ruột thừa bể mủ, được mổ mở do hút không sạch mủ và dịch nên bị áp xe tồn lưu, phải mổ lại. Với mổ nội soi sẽ không có tình trạng này”. Ngoài ra, PTNS cũng có rất nhiều ưu điểm như phát hiện dễ dàng các tổn thương kèm theo, ít xâm lấn đối với cơ thể người bệnh, thời gian hồi phục nhanh, ít đau đớn cho người bệnh, vết sẹo nhỏ (hầu như không thấy) nên không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Đặc biệt, thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhi trở lại hoạt động bình thường sớm nên ít ảnh hưởng đến việc học. Gia đình cũng không cần nuôi cháu thời gian dài ở bệnh viện. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh: “PTNS với diện tích vết mổ hẹp sẽ giúp giảm thiểu tai biến do nhiễm trùng, mất máu. Từ trước đến nay, hầu hết người lớn bị viêm ruột thừa đều có thể PTNS, trong khi trẻ nhỏ chưa triển khai PTNS được. Đây cũng là một thiệt thòi cho trẻ nhỏ. Gây mê mổ nội soi cho trẻ nhỏ cũng rất phức tạp nên nhiều nơi chưa triển khai được. Việc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ triển khai PTNS viêm ruột thừa là một bước tiến đáng mừng. Đây sẽ là tiền đề để bệnh viện phát triển PTNS điều trị các bệnh lý phức tạp khác như thoát vị hoành bẩm sinh, lồng ruột mãn tính, nang ống mật chủ...”.

Hiện nay, do vừa triển khai PTNS nên bước đầu Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ chỉ mới nhận PTNS viêm ruột thừa cho trẻ trên 5 tuổi. Bác sĩ Trần Văn Dễ cho biết thêm: “Sau khi triển khai PTNS viêm ruột thừa, sắp tới, Khoa Ngoại tiếp tục triển khai PTNS nang ống mật chủ bẩm sinh, phình đại tràng bẩm sinh, tinh hoàn ẩn...”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết